Chị Thảo, giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn Q.3, ngồi chờ làm xét nghiệp tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic Hòa Hảo thở dài: “Dạo này mệt quá!” Các bác sĩ chẩn đoán chị bị huyết áp cao dù chưa qua tuổi 45. Hàng tá công việc phải giải quyết, những điều chưa hài lòng từ nhân viên, doanh số không như mong muốn, đơn hàng bị trả lại tới tấp… Tất cả “ xà quần” liên tục cả năm nay khiến không ngày nào chị ăn ngon hoặc ngủ thẳng giấc. Chị Thảo không nghĩ rằng những cảm xúc lo lắng, hồi hộp, bực tức vì công việc lại là nguyên nhân tác động chính đến nội tiết tố có tên là adrenalin trong cơ thể chị.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, adrenaline là loại nội tiết tố (hormon) do tuyến thượng thận (tuyến nằm trên 2 quả thận) tiết ra. Khi lo lắng, tức giận, hồi hộp, căng thẳng nó sẽ kích thích adrenaline làm mạch máu co lại, giữ natri và nước ở lại trong cơ thể. Adrenaline còn làm tăng nhịp tim, tăng áp lực bơm máu và làm chệch hướng lượng máu bơm lên não để tập trung vào các cơ quan trong cơ thể và cơ bắp . Nó làm cơ thể bài tiết ít nước tiểu và đưa đến huyết áp tăng.
Vì vậy ngay từ trẻ chớ dại để bản thân lo âu, hồi hộp hay tức giận 3 lần 1 ngày. Ngoài nguy cơ bệnh tim mạch, cao huyết áp còn là đái tháo đường loại 2 vì adrenaline gây rối loạn chuyển hóa insulin trong máu.
|
Càng giận càng bệnh !
Lý giải về tiết chế cảm xúc, không gì đúng hơn là: “tức giận có nghĩa lấy lỗi của người khác để trừng phạt mình”. Chị Thảo ở quận 3 chắc cũng muốn sống nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng với cương vị là giám đốc doanh nghiệp, phía dưới là hàng trăm nhân viên với doanh thu mỗi năm hàng trăm tỉ đồng, làm sao tránh khỏi lo lắng và tức giận ? Nếu là người có bản lĩnh, “vô tư”, tới đâu giải quyết tới đó thì không sao. Đặt trường hợp người tâm lý yếu, nội tâm, nhạy cảm mà hoàn cảnh, vị trí “ quăng quật” vào môi trường đầy kích thích thì thế nào ?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP.HCM): “Chẳng có phương thuốc nào ngoại trừ tự biết cân bằng và tiết chế cảm xúc. Các loại thuốc chống trầm cảm, lo âu, mỏi mệt được chỉ định cho trường hợp hết sức đặc biệt – người bị trong thời gian dài, có liên quan đến bệnh thần kinh. Dưỡng sinh, yoga, ăn uống lành mạnh đúng giờ, ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể chống chọi với những cám xúc “ hỉ, nộ, ái, ố” tốt hơn.
Adrenaline gắn chặt với cảm xúc con người. Nó sẽ cân bằng khi ta vui vẻ, hạnh phúc. Nó chỉ “ dậy sóng” khi tâm ta bực tức, hoảng loạn. Vì vậy bệnh hay không bệnh, ngoài chuyện ăn uống, phần lớn cũng từ chính suy nghĩ mỗi người mà ra.
|
Ca sĩ Đông Nhi: Nghệ sĩ phải tập chống thị phi
* Là nghệ sĩ không tránh khỏi những thị phi ồn ào gây căng thẳng, nhất là sau khi chương trình Những kẻ lắm lời (Bitches in Town) đem ra bỡn cợt. Bản thân Đông Nhi trải qua giai đoạn đó thế nào?
– Nhi thật sự không muốn nhắc lại. Chỉ biết rằng những gì ập tới mình, dù vô tình hay cố ý, mình phải biết cách đón nhận, hóa giải và để trôi qua một cách nhẹ nhàng nhất.
Mình làm điều đó trước hết vì bản thân. Nếu quá để tâm, chú ý, hơn thua, năng lượng cơ thể sẽ bị phân tán và không còn sức lực tập trung vào công việc.
* Trong 4 loại cảm xúc mà các bác sĩ xếp vào dạng ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất (lo âu, hồi hộp, mệt mỏi và tức giận), Nhi sợ cái nào nhất?
– Nhi nghĩ đó là lo lắng. Lo lắng gây ra hàng loạt hệ lụy như mất ngủ, bứt rứt, không tập trung và đây đều là những điều tối kỵ với nghệ sĩ. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới sắc vóc, giọng hát và thần thái của người ca sĩ.
* Một buổi sáng thức dậy, mở mạng, đọc thông tin không hay, không đúng về bản thân, điều đầu tiên bạn sẽ làm gì?
– Nếu cách đây hơn 10 năm, cảm giác đầu tiên của Nhi sẽ là hoang mang, sau đó là bực tức khó chịu. Nhi cũng từng ấm ức khi người ta cho rằng Nhi không có khả năng hát. Có những khó khăn chỉ mình biết, mình chịu đựng nhưng người ta phủi một cách phũ phàng chỉ vì những thông tin cảm tính.
Nhưng đã là ca sĩ, Nhi hiểu việc đón nhận thông tin đúng và sai, nghịch và thuận là hết sức bình thường. Điều quan trọng không phải phản bác lại thế nào mà là mình chứng minh bằng thực tế công việc ra sao.
* Giữa áp lực hữu hình là công việc với áp lực vô hình (ồn ào, thị phi), cái nào là đáng sợ hơn?
– (Cười) tất nhiên thị phi là đáng sợ hơn. Bởi đó là những chuyện ngoài tầm kiểm soát. Nó có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Nếu ta chạy theo, đau đầu với nó, ai sẽ chịu trách nhiệm cho sức khỏe tinh thần và thể chất của mình? Chắc chắn không ai cả ngoài bản thân Nhi.
Vì vậy Nhi luôn tìm đến những phương pháp để cân bằng cảm xúc: nói chuyện với gia đình, bạn bè, có lối sống lành mạnh, ăn uống và tập thể dục đều đặn để duy trì một sức khỏe tốt.
* Cảm ơn Đông Nhi!