Trong các loại bệnh ung thư thì ung thư tuỵ tạng dù tương đối ít phổ biến nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao và liên quan nhiều đến thói quen hút thuốc lá.
Nói chung, ung thư tuỵ tạng hay những bệnh liên quan đến tuỵ tạng đều rất nguy hiểm và bệnh nhân phải chịu đau đớn vô cùng.
Ung thư tuỵ tạng hiếm khi gặp ở tuổi dưới 45, nhưng xuất độ sẽ tăng sau độ tuổi đó, đỉnh điểm ở tuổi 70. Các số liệu ghi nhận của Mỹ cho biết, xuất độ chuẩn/tuổi ở nam giới cao hơn nữ giới 30%; và 50% cao hơn ở người da đen.
-
1
Những yếu tố nguy cơ
Khoảng 5-10% ung thư tuỵ tạng liên quan đến yếu tố gia đình hay di truyền. Độ tuổi mắc bệnh sớm hơn ở những trường hợp không có tính di truyền. Hút thuốc lá làm thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh, người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư tuỵ tạng cao hơn 1,5 lần. Béo phì và tình trạng thiếu vận động cũng liên quan đến ung thư tuỵ tạng: người có chỉ số BMI ≥ 30 dễ mắc bệnh hơn người có chỉ số BMI ≤ 23.
Chế độ ăn nhiều thịt, mỡ, thịt xông khói theo kiểu phương Tây cũng làm tăng nguy cơ ung thư này. Người thường ăn trái cây tươi, rau tươi thì ít thấy bị ung thư tuỵ tạng. Ngoài ra, lượng lycopen (carotenoid có trong trái cây) và selenium trong huyết thanh thấp cũng dễ gây ung thư tuỵ tạng.
Yếu tố nguy cơ còn gặp ở những người có bệnh viêm tuỵ mạn tính, người bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, những người có tiền sử cắt dạ dày hay cắt túi mật…
-
2
Triệu chứng thường gặp
Đau: thường gặp nhất, do khối bướu xâm lấn trực tiếp vào các mạng thần kinh của mạc treo ruột. Đau ở vùng bụng trên, đau như dao đâm, hướng đau vắt ngang lưng. Đau từng cơn, kèm cảm giác ăn mất ngon. Khoảng 80 – 85% bệnh nhân có triệu chứng đau được chẩn đoán ở giai đoạn trễ.
Sụt cân: do chán ăn, tiêu chảy, vã mồ hôi đầu.
Vàng da: vàng mắt, kèm theo ngứa ngáy, đi tiêu phân trắng, nước tiểu sậm màu.
Các triệu chứng biểu hiện đầu tiên còn tuỳ thuộc vị trí khối bướu. Bướu xuất hiện ở thân và đuôi tuỵ thường gây triệu chứng đau và sụt cân, trong khi bướu ở đầu tuỵ thường tạo triệu chứng vã mồ hôi đầu, sụt cân và vàng da. Khám lâm sàng, sờ thấy khối bướu hay tình trạng bụng báng, sờ chạm túi mật dưới bờ sườn phải, hoặc hạch trên đòn trái.
-
3
Làm sao phát hiện?
Khi bệnh nhân đến khám đã bị vàng da, siêu âm bụng là phương tiện hình ảnh đầu tiên thường được sử dụng. Những hình ảnh như giãn đường mật, khối bướu vùng đầu tuỵ sẽ gợi ý cho chẩn đoán.
Kỹ thuật chụp cắt lớp CT với độ nhạy và độ chuyên biệt cao có thể phát hiện bệnh ngay khi bệnh nhân chưa có triệu chứng vàng da, hình ảnh qua chụp cắt lớp cho biết sự lan rộng tại chỗ hoặc di căn như hạch bạch huyết, di căn gan… Các bác sĩ còn thực hiện kỹ thuật chụp đường mật tuỵ ngược dòng qua nội soi – ERCP, nội soi dạ dày và qua đó dùng chất cản quang bơm vào đường mật, chụp X-quang để khảo sát.
Những kỹ thuật khác cũng hiệu quả trong việc cho hình ảnh để chẩn đoán là siêu âm qua nội soi – EUS (có độ chính xác cao); chụp cộng hưởng từ – MRI; chụp cắt lớp bởi bức xạ pôsitrôn; xét nghiệm “chất đánh dấu bướu” trong huyết thanh CA19 – 9 (có giá trị trong việc theo dõi sau mổ và tiên lượng bệnh)…
-
4
Phẫu thuật sớm, sống lâu hơn
Ung thư tuỵ là bệnh lý ác tính khó phát hiện sớm, tiên lượng sống năm năm rất thấp. Tại Mỹ, phẫu thuật có thể trị khỏi ung thư này, nhưng không may là bệnh thường được chẩn đoán vào giai đoạn trễ, chỉ 15 – 20% bệnh nhân còn mổ được với tiên lượng rất xấu. Sống còn năm năm khoảng 25 – 30% khi hạch chưa bị di căn, và chỉ còn 10% khi đã có di căn hạch.
Hiện cách điều trị gồm các phối hợp đa mô thức: phẫu trị – hoá trị – xạ trị. Trong đó, phẫu thuật được chỉ định khi bệnh còn khu trú tại chỗ và ở giai đoạn sớm. Khi bệnh đã tiến xa hoặc di căn (di căn gan, lan tràn trong ổ bụng, bụng có dịch báng, đã có hạch trên đòn trái), là chống chỉ định mổ. Phẫu thuật thường được thực hiện gồm cắt khối tá tuỵ tiêu chuẩn (phẫu thuật Whipple), phẫu thuật có tính rộng lớn như phải cắt bỏ phần đầu tuỵ và khối bướu, cắt bỏ túi mật, cắt bỏ phần dưới của dạ dày và toàn bộ khung tá tràng, sau đó tái lập sự lưu thông của đường mật và dịch tuỵ.
Loại phẫu thuật thứ hai là cắt khối tá tuỵ biến đổi, phương pháp này có sự khác biệt là giữ lại cơ vòng môn vị. Khi bệnh đã ở vào giai đoạn muộn, thể trạng bệnh nhân suy sụp kèm theo vàng da vàng mắt (do bị tắc mật bởi khối bướu ở đầu tuỵ). Bệnh nhân được các bác sĩ thực hiện nội soi dạ dày và qua đó sẽ đặt một ống thông (stent) vào trong đường mật, hoặc được phẫu thuật nối thông mật – ruột, hoặc mở túi mật ra da nhằm giảm ứ mật trong gan.
Hoá trị hỗ trợ hay xạ trị hỗ trợ, hoặc kết hợp hoá/xạ trị có thể cải thiện thời gian sống còn cho bệnh nhân. Hiện nay, điều trị hỗ trợ sau mổ với sự kết hợp giữa các thuốc đặc trị ung thư cùng tia phóng xạ, cho thấy thời gian sống còn của bệnh nhân kéo dài hơn.