Bác sĩ Dương Đình Phúc (Bệnh viện 354) cho biết, ra nhiều mồ hôi là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, mồ hôi tiết ra giúp cân bằng nhiệt độ và loại bỏ các độc tố ra ngoài. Bình thường, vào mùa hè, trung bình một người tiết ra khoảng 500-600 ml mồ hôi/ngày.
Ở những vùng da kín như ở nách, lưng, bẹn, đùi hoặc những vùng da phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như da cổ, mặt hoặc tại những cơ quan phải thường xuyên hoạt động như bàn tay, bàn chân thì mồ hôi thường tiết ra nhiều.
Rất nhiều nguyên nhân khiến mồ hôi có thể tăng tiết nhiều như cảm xúc, vị giác, bệnh về thần kinh giao cảm, hạ đường huyết, có thai, mãn kinh… Mồ hôi tiết nhiều hơn khi cơ thể ở trạng thái xúc động mạnh, ốm, sốt cao, ăn đồ quá cay, uống rượu, khi lao động nặng, tập luyện thể thao…
Tăng tiết mồ hôi do tâm lý thường ra nhiều ở lòng bàn tay, chân, trán… Đây chỉ là thay đổi thoáng qua do quá căng thẳng, áp lực về tâm lý và sẽ hết nhanh chóng khi cảm xúc được giải tỏa.
Tuy nhiên, nếu cơ thể bị ra nhiều mồ hôi cả khi thời tiết mát mẻ, cơ thể hoàn toàn không có chút vận động nào kèm theo một số triệu chứng lạ thì bạn cần tới kiểm tra thăm khám bác sĩ. Điều đó báo hiệu cơ thể bạn đang yếu.
Theo các chuyên gia y tế, nếu bạn thường xuyên bị đổ mồ hôi thì đây có thể là dấu hiệu của chứng cường tuyến giáp hay tuyến giáp đang hoạt động quá mức. Chứng cường tuyến giáp có thể dẫn tới việc giảm cân và tim đập nhanh.
Ngoài ra, người ra nhiều mồ hôi ngay cả khi trời lạnh hoặc khi không có yếu tố kích thích, đó có thể là biểu hiện của chứng tăng tiết mồ hôi.
Hội chứng này sẽ khiến đối tượng tăng tiết mồ hôi gấp 10 lần mức thông thường. Người mắc chứng tăng tiết mồ hôi được cho là có dư thừa tín hiệu thần kinh từ bộ não tới các tuyến mồ hôi.
Để đảm bảo sức khỏe, nếu có dấu hiệu ra mồ hôi bất thường nên đi kiểm soát tổng quát, xét nghiệm công thức máu, chức năng tuyến giáp, chụp hình phổi. Cách chữa trị hiệu quả nhất chỉ có khi đã xác định được nguyên nhân gây ra triệu chứng.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng tăng tiết mồ hôi ngoài việc tác động vào nguyên nhân gây bệnh, bạn cần thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt như giữ tinh thần thoải mái, loại bỏ những mặc cảm cá nhân. Vệ sinh cá nhân thường xuyên, ở nơi thoáng mát. Nên mặc quần áo rộng thoáng, uống nhiều nước để bổ sung đủ nước cho cơ thể.
Bạn cũng cần có một chế độ ăn uống hợp lý, không nên ăn nhiều đồ ngọt, nhiều dầu mỡ, thức ăn cay mà nên ăn nhiều rau xanh và trái cây.
Khi ra nhiều mồ hôi, hãy dùng khăn khô lau bớt, bật quạt ở mức vừa phải, uống một cốc nước mát nhằm hạ nhiệt cơ thể từ từ thích nghi với nhiệt độ mới, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.
Theo Zing
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.