Nhà báo, con và công việc

Đó là lần anh chuyển nhà đến nơi ở mới, một hôm người hàng xóm hỏi con trai của anh “Ba con làm nghề gì?”, con anh nhanh nhẩu đáp “Ba con làm nghề đi”. Anh cười giải thích, thấy ba cứ đi mãi nên con gọi là nghề đi. Đi như một đặc thù của nghề báo, bởi nơi nào có sự kiện thì nơi đó có nhà báo. Không chỉ là chuyện di chuyển, người làm báo còn phải chịu áp lực cao của công việc và thời gian. Dù là cuộc gọi lúc nửa đêm cũng phải vác ba lô lên và đi. Vì vậy, với người làm báo, dành thời gian cho gia đình là việc không hề đơn giản, chỉ có thể là sự hy sinh chứ không thể cân bằng.

 

Nhà báo Hoàng Dung và con gái trong chuyến du lịch Hạ Long

Chồng vợ… đều thiệt

Là phóng viên mảng văn hóa nghệ thuật, chị Hoàng Dung (báo điện tử Vnexpress) thường xuyên trở về nhà vào lúc nửa đêm. Công việc đòi hỏi Dung không chỉ về muộn mà còn phải đi sớm. Hôm nào may mắn được ở nhà làm việc thì cũng phải dậy sớm đưa bài lên web, rồi viết bài đến khuya lắc khuya lơ. Vì vậy mà từ ngày có con, Dung như rơi vào một trận chiến. Một bên là cuộc chiến với công việc ngút đầu, bên còn lại quay cuồng với đứa trẻ đòi mẹ. Nhiều lần “cao điểm” Dung vừa phải cho con bú vừa gõ bài để kịp gửi về tòa soạn. Đôi lúc nhìn lại bộ dạng của mình, chị cười như mếu. Trước đây, mỗi lần đến các sự kiện đưa tin, Dung luôn quần áo chỉn chu, nhưng giờ đến mái tóc cũng phải chải vội. Đưa tay hất mái tóc ngắn Dung tươi tắn: “Thời gian đâu mà chải chuốt, để ngắn vuốt cho nó nhanh”.

Mỗi ngày Dung phải dậy thật sớm chuẩn bị thức ăn cho con rồi mới đi làm. Buổi trưa, bất kể cái nắng bên ngoài như thiêu đốt, chị vẫn chạy về cho con bú. Nhiều hôm công việc không dứt ra được, sữa căng, nỗi nhớ con quay quắt khiến bà mẹ trẻ bật khóc ngon lành.

Dung chia sẻ: “Công việc của một người làm báo đòi hỏi phải linh động, sẵn sàng ra khỏi nhà bất cứ lúc nào nên việc có con nhỏ như một “cực hình”. Phải thừa nhận từ ngày có con, tôi hy sinh công việc của mình rất nhiều. Làm mảng văn nghệ đòi hỏi mối quan hệ rộng, thường xuyên dự các chương trình, sự kiện để đưa tin. Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, cả những chuyến công tác tỉnh cũng phải cân nhắc”.

Với Dung, công việc tuy vất vả, mệt mỏi nhưng mỗi ngày trở về nhà được nhìn thấy con, chơi đùa với con là mọi mệt mỏi trong chị như tan biến. Chị không có cả ngày cuối tuần dành cho con, bởi ngày cuối tuần của một phóng viên văn nghệ còn bận rộn hơn cả ngày thường, nên cách Dung bù đắp tình cảm cho con cũng rất ngẫu hứng. Ví dụ như chị đưa con đi du lịch bất cứ lúc nào thấy thích, dù em bé còn chưa tròn tuổi. Chị tâm niệm, mẹ có vui vẻ, lạc quan thì con mới khỏe mạnh.

Thật khó để có thể vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà với người làm báo nên những gì họ có thể làm được là hy sinh hoặc công việc, hoặc gia đình, đồng thời cần một người chồng hiểu và chia sẻ với họ. Dung bảo, mình may mắn vì được chồng cảm thông cho nghề nghiệp. “Khi chọn nghề báo, tôi đã lường trước những khó khăn, vất vả mình phải đối mặt, thế nhưng chỉ đến khi có con tôi mới thấm thía tường tận nỗi vất vả đó. Để sắp xếp ổn thỏa việc chăm con, không chỉ tôi mà chồng tôi cũng phải hy sinh. Anh ấy thường xuyên bỏ qua những buổi tối gặp gỡ khách hàng, bạn bè để ở nhà chăm con cho tôi đi làm” – Hoàng Dung chia sẻ.

 

Hơn một tháng không gặp bố, vừa thấy bố xuất hiện trên ti vi, con trai nhà báo Nguyễn Viễn Sự cuống quýt gọi “Bố ơi, bố có thấy con không?”

Bù đắp bằng những câu chuyện

Có người gọi đùa anh là phóng viên “thảm họa”, có người lại gọi anh là người đi vào tâm bão, bởi nhiều năm nay, những điểm nóng nhất của thời sự đều có mặt anh: từ lũ lụt miền Trung đến lũ lụt ở Bangkok (Thái Lan), từ thảm họa rơi máy bay MH370 đến sập hầm Đạ Dâng, rồi Hoàng Sa, Trường Sa cho đến nghị trường Quốc hội… anh đều có mặt.

Anh là nhà báo Nguyễn Viễn Sự (báo Tuổi Trẻ TP.HCM). Hơn mười năm bước vào nghề báo, anh không nhớ hết những nơi mình đã đi qua và rất nhiều nơi không chỉ đến một lần. Những chuyến đi thường kéo dài từ ngày này qua ngày nọ, tháng này nối tiếp tháng sau. Mà thật lạ, dù anh vắng nhà thường xuyên nhưng con trai vẫn quấn quýt bố. Hỏi về con trai, anh rưng rưng chia sẻ: “Từ sau Tết đến nay tôi chỉ gần con được đôi ba ngày. Hết chuyến công tác hạn hán ở các huyện miền núi tỉnh Ninh Thuận, thì tiếp đến những ngày lênh đênh trên tàu đi Trường Sa, rồi lại ra Hà Nội đưa tin kỳ họp Quốc hội…”.

Anh kể, thằng bé chắc đã quen từ trong bụng mẹ việc bố thường xuyên có những chuyến công tác gấp gáp, chỉ được báo trước vài tiếng và… không biết khi nào về. Có lần, khi vợ đang mang thai bảy tháng, anh nhận lệnh ra công tác vùng lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình. Anh bảo vợ xếp hành lý rồi chở vợ ra bến xe miền Tây gửi về nhà ngoại, còn mình thì ngược ra sân bay. Ngay cả những chuyến công tác dài ngày ở nước ngoài, thời gian để anh chuẩn bị và chia tay con cũng chỉ được tính bằng giờ. Lâu dần, con trai anh cũng quen, còn biết chúc bố đi khỏe, cười thật tươi cho bố yên lòng trước lúc lên đường.

Bù đắp cho con khoảng thời gian thiếu vắng cha, dù đi đến bất cứ nơi nào, dù đang trong hoàn cảnh nào, mỗi ngày anh đều dành thời gian gọi điện về nhà trò chuyện với con, kể cho con nghe về nơi anh đến, công việc anh đang làm và cả những câu chuyện anh bắt gặp trong hành trình của mình. Với anh, đó là cách để giúp con hình dung được về cuộc sống ở những nơi khác nhau và qua đó hai bố con cũng có nhiều “đề tài” trao đổi với nhau.

Anh Sự có một nguyên tắc là không bao giờ nói dối và luôn giữ lời hứa với con. Anh chia sẻ: “Trẻ con thường nhớ lâu và chờ đợi những điều người lớn hứa nên đừng để trẻ thất vọng”. Trước đây khi chưa có con, anh ít khi quan tâm đến trẻ con và thường vô tâm với những lời hứa “cho có” với cháu. Nay, con đã “dạy” cho anh bài học cần giữ lời hứa với đứa trẻ. Ngay cả khi vợ cho con ăn, để dỗ bé, mẹ dụ con ăn giỏi sẽ cho đi công viên, anh cũng không đồng ý hoặc yêu cầu vợ phải thực hiện lời hứa.

Mỗi năm, có đến phân nửa thời gian dành cho những chuyến tác nghiệp gấp gáp, nhà báo Viễn Sự nói, cách bù đắp, cân bằng cho con không gì hơn là sự chia sẻ với con về chính hành trình của mình. Với một cậu bé ba, bốn tuổi, dù không thể hiểu được việc bố đang làm, nhưng sự chia sẻ ấy cũng giúp cậu con trai hiểu rằng, trong mỗi hành trình, bố luôn nhớ và nghĩ đến mình.

Ngày mai mẹ sẽ thu xếp lại, con nhé!

Con gái tôi sắp tròn hai tuổi. Là con đầu, lẽ ra tôi phải dành nhiều thời gian chăm chút cho con, nhưng vì công việc cuốn hút khiến tôi luôn “bỏ bê” con mình. Có mẹ làm báo, con không chỉ thiếu vắng bàn tay mẹ chăm bẵm mỗi ngày, mà cả những phút giây hai mẹ con bên nhau cũng không trọn vẹn. Cách đây vài hôm, vợ chồng tôi đưa con gái đi du lịch cùng cơ quan của chồng tôi. Mang tiếng đi chơi nhưng tôi không sao thoát ra khỏi công việc. Trong khi cả đoàn đi tham quan thì tôi lên mạng trao đổi công việc với sếp hoặc tranh thủ viết bài. Thiếu mẹ, trong đoàn lại toàn người lạ, con sợ khóc ngất, cuống quýt đòi mẹ khiến những người đi chung cũng thấy ái ngại. Cuối cùng, chuyến đi không còn vui vẻ vì tôi lúc nào cũng như “mắc nợ” với công việc.

 

Làm báo, công việc cứ cuốn mình đi hàng ngày, hàng giờ. Nay hứa ở nhà chăm con, nhưng bận họp đột xuất; mai hẹn dẫn con đi chơi, thì tòa soạn gọi. Rất nhiều lần cả nhà lên kế hoạch đi chơi nhưng cứ đến phút cuối đều bị hủy vì tôi. Bạn bè, đồng nghiệp khuyên tôi nên sống lắng lại, tạm quên bớt công việc để lo cho gia đình, cho con. Đôi lần tôi cũng tự hứa với lòng điều đó, nhưng từ hứa đến thực hiện thì còn xa quá!. Thôi thì hứa với con một lần nữa… Rồi ngày mai mẹ sẽ thu xếp lại, con nhé!

Nhà báo Thái Phương (báo Người Lao Động)

 

Nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng, Thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ Cười, báo Tuổi Trẻ TP.HCM: Xa con là một thách thức lớn

 

 

PV: Đặc thù của nghề báo là thường xuyên di chuyển, nhưng với anh không phải là những chuyến công tác dài ngày mà anh có đến ba năm thường trú xa nhà. Thời gian đó điều gì làm anh lo lắng nhất?

Nhà báo Tiến Hùng: Đi công tác hay thường trú là chuyện bình thường của bất cứ nhà báo nào. Tôi đã có thời gian hơn ba năm công tác ở văn phòng thường trú báo Tuổi Trẻ tại Lâm Đồng. Khi quyết định việc đó, điều đầu tiên tôi nghĩ là thời gian xa hai đứa trẻ (một đứa 11 tuổi và một đứa 6 tuổi) và gánh nặng dành cho mẹ của chúng. Mối lo lớn nhất của tôi là hai con trai sẽ có khoảng thời gian cách xa ba khá dài, liệu việc ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của chúng?

* Ngày nhận quyết định đi xa, anh có cảm thấy khó khăn khi trao đổi với hai con không? Hai cậu nhóc đã phản ứng ra sao?

– Đó là thách thức lớn. Phải tính toán thời gian sao cho ngay lúc chúng cần tư vấn nhiều hơn trong quá trình trưởng thành thì mình phải có mặt ở nhà.

Hôm ấy, cả hai đứa đều không khóc vì thật sự lúc đó, chúng chưa ý thức là sẽ xa ba lâu như vậy. Đến khi tôi về thăm nhà lần thứ hai, khoảng hai tháng sau, chúng mới hoảng, ôm riết ba rồi khóc ròng khi ba chào tạm biệt lên đường vào lúc nửa đêm. Thường thì tôi tránh hai con mà đi. Bình Nguyên, đứa nhỏ, có khi ngủ thức giấc thấy ba đi mất thì khóc rống lên: “Ba hứa ôm con ngủ mà!”. Rồi nó lấy áo quần của ba ôm vào ngực mà ngủ….

* Nghĩa là anh hiểu công việc bắt buộc phải đi, và anh chọn thời điểm đi sao để cân bằng được giữa công việc và chăm sóc con cái?

– Nói chung là không được đánh cắp thời gian trẻ thơ của con mình, vì cho dù sau này chúng ta có thành đạt tới đâu mà bị mất khoảng thời gian cần có cha mẹ, thì không có gì biện minh rằng chúng ta đã công bằng với thời ấu thơ của con cái. Tôi nghĩ thế!

* Những ngày anh xa nhà, hai chú nhóc biết thay ba phụ mẹ việc nhà, quan tâm đến mẹ trong các ngày lễ. Việc này hẳn có anh đứng phía sau?

– Tôi xa nhà, mọi thứ đổ hết cho vợ, cực không kể xiết. Có lẽ thấu hiểu sự vất vả của mẹ nên anh em Đông Bình, Bình Nguyên đã luôn mang đến cho mẹ niềm vui. Anh hai Đông Bình biết học để làm trứng chiên cho em ăn khi không có mẹ, em Bình Nguyên biết quét nhà, khóa cửa, phơi đồ… phụ mẹ và anh hai. Những ngày lễ của mẹ, ba cha con thỏa thuận, tôi có nhiệm vụ gửi hoa về, phần còn lại là hai con tự biên tự diễn. Thường thì Bình Nguyên hay ôm hoa, quỳ xuống tặng mẹ rất điệu nghệ. Đông Bình tặng hoa và đàn cho mẹ nghe một bài. Chúng cũng vẽ tranh tặng mẹ.

Cái được trong quá trình này, coi như là một sự làm tươi mới lại những cảm xúc gia đình. Quá trình xa cách cũng là chất xúc tác để bọn trẻ trưởng thành hơn, biết quý trọng thời gian sống chung hơn.

* Anh đã “ở bên cạnh” con như thế nào khi khoảng cách là hàng trăm cây số?

– Tôi cố gắng giữ lịch một tháng về nhà một lần, cố gắng bù đắp những tình cảm mất mát với lũ trẻ. Những cuộc điện thoại và những trò mà chúng tôi bày ra đều nhằm nhắc nhở chúng là những chàng trai trong nhà, phải cáng đáng trách nhiệm của một người đàn ông. Lũ trẻ phải quen được với cách nghĩ chúng đang thay thế phần nào vai trò của ba trong nhà. Bù lại, thời gian cũng là một món quà quý khi chúng tôi có thể ở với nhau cả tháng trong mùa hè tại thành phố Đà Lạt. Đó là những món quà của cuộc sống, làm phong phú chính tuổi thơ của trẻ nhỏ với những cách xa, nhung nhớ và tận hưởng.

* Xin cảm ơn anh!

 Viễn Linh (thực hiện)

Nguồn: Theo Ph? n? TPHCM

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.