Nhân giống thành công bò sát sống trước thời khủng long

Lần đầu tiên loài bò sát tuatara có mặt trên Trái Đất từ 225 triệu năm trước được nhân giống thành công tại vườn thú Anh.

Theo BBC, nhà bảo tồn Isolde McGeorge tại sở thú Chester cho biết bà rất xúc động khi chứng kiến trứng loài tuatara được ấp nở thành công. Sau 238 ngày ấp, tuatara con nở ra hôm 5/12/2015. Khi nó chắc chắn khỏe mạnh, tin tức này mới được công bố hôm 1/2.

“Đây là một sự kiện tuyệt vời. Lần đầu tiên một sở thú Anh nhân giống thành công loài tuatara vốn chỉ được tìm thấy tại New Zealand”, bà McGeorge nói. Giới tính của bò sát con chưa được xác định.

“Hóa thạch sống” tuatara. (Ảnh: BBC).

Tuatara con chào đời là hậu duệ của một cặp tuatara trưởng thành được sở thú Wellington ở New Zealand vận chuyến đến sở thú Chester vào năm 1994 trong một chương trình hợp tác giữa hai quốc gia. Khi trưởng thành, tuatara nặng khoảng 1,3kg và có chiều dài chừng 80cm.

Bò sát tuatara (tên khoa học Sphenodon punctatus) có bề ngoài giống thằn lằn, sống cách đây khoảng 225 triệu năm và xuất hiện trước khủng long. Sau khi khủng long tuyệt chủng, loài này vẫn tồn tại.

Theo Chesterchronicle.co.uk, cách đây khoảng 70 triệu năm, loài Sphenodon punctatus bất ngờ bị tuyệt chủng ở các nơi khác trên Trái Đất, ngoại trừ New Zealand. Các nhà khoa học gọi tuatara là “hóa thạch sống” do ngoại hình của chúng hầu như không thay đổi dù trải qua thời kỳ tiến hóa lâu dài.

Loài tuatara được tôn thờ trong văn hóa của người Maori tại New Zealand, và hiện chúng được bảo vệ nghiêm ngặt tại khu vực sinh sống ở nước này.

 

Theo VnExpress