Những kiểu thưởng Tết khiến nhân viên “dở khóc dở cười”
Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết âm lịch, người lao động trên cả nước đang trồng chờ vào những khoản tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, theo thông tin của một số doanh nghiệp công bố gần đây, thưởng Tết nhân viên bằng hiện vật “cây nhà lá vườn” đang chiếm ưu thế.
Hàng loạt những công bố thưởng Tết gần đây của một số công ty khiến không chỉ người được thưởng mà còn dư luận trong nước xôn xao.
Một công ty vật liệu xây dựng nằm trên đường Lương Ngọc Quyến – TP. Thái Nguyên đã thưởng cho nhân viên 200 viên gạch.
Cơ sở sản xuất hương ở Đan Phượng- Hà Nội cũng dành cho nhân viên món quà Tết độc đáo là 100.000 đồng/người và một bó hương mỗi loại.
Tương tự, công ty TNHH truyền thông T.V có phần thưởng là 30 bịch giấy vệ sinh cho nhân viên dịp Tết.
Không kém phần bi hài, một công ty dệt may khác trên địa bàn Hà Nội thưởng Tết cho nhân viên bằng 70 chiếc quần đùi.
Thưởng tết bằng tương ớt là trường hợp phổ biến ở các công ty sản xuất thực phẩm ở TP. HCM. Mỗi nhân viên sẽ được thưởng 1 thùng tương ớt do chính công ty mình sản xuất ra. Lãnh đạo sẽ được phần thưởng Tết lớn hơn là 2 thùng tương ớt. “Sang” hơn, doanh nghiệp sản xuất giò chả cũng lên kế hoạch thưởng Tết cho nhân viên bằng giò bò, giò ngựa bạch…
Doanh nghiệp không thưởng Tết có vi phạm?
Chương VI, Điều 64 Bộ luật lao động 2012 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm trích từ lợi nhuận hàng năm để thưởng cho người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp từ một năm trở lên, theo quy định của Chính phủ phù hợp với đặc điểm của từng loại doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo Điều 103 Bộ luật lao động 2012, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Ngoài quy định trên, chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn Phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Doanh nghiệp không thưởng Tết là chưa chắc đã vi phạm pháp luật lao động bởi không có văn bản pháp quy nào về lương tháng 13. Và đối với tiền thưởng nói chung, trong đó có thưởng Tết thì còn phải được ghi vào Hợp đồng lao động thì mới buộc Người sử dụng lao động phải trả như quy định tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội”.
Như vậy “Việc thưởng Tết của mỗi doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào Quy chế tài chính và Hợp đồng lao động ký kết với Người lao đông của doanh nghiệp đó. Trước khi tuyển nhân viên vào làm việc tại doanh nghiệp, việc thưởng tết sẽ được ghi rõ trong hợp đồng lao động. Hầu hết ở các doanh nghiệp, doanh số bán hàng tăng hay giảm là điều kiện để đề ra mức tiền thưởng tết cho nhân viên”, Luật sư Lê Ngọc Hoàng phân tích.
Luật sư Hoàng cho biết thêm, nếu doanh nghiệp không xây dựng Quy chế thưởng và Hợp đồng lao động không ghi cụ thể thì nhiều khi nhân viên, người lao động không có quyền đòi hỏi tiền thưởng Tết từ doanh nghiệp mình đang làm cho dù doanh nghiệp làm ăn phát đạt, có lãi…
Đây đang là điều bất cập khi pháp luật lao động chưa đề cập quy định cụ thể việc Thưởng nói chung và thưởng Tết âm lịch nói riêng. Trường hợp này nếu có, người lao động chỉ còn mỗi cách kiến nghị đến Chủ doanh nghiệp, Đại diện Người lao động cấp cơ sở (Công đoàn, Phòng Lao động thương bình xã hội quận huyện) hoặc hoặc thanh tra lao động để được xửa lý đáp ứng lợi ích của mình.
Nguồn: Theo Gia đình & Xã hội
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.