Nhân viên mới muốn “nhảy việc” vì lãnh đạo bất tài

Hiện tại tôi đang là chuyên viên phòng truyền thông của một doanh nghiệp vừa ở Hà Nội. Trước khi đến đây làm việc, tôi đã có 3 năm kinh nghiệm ở vị trí tương đương. Vì vậy, tôi cũng khá tự tin khi ứng tuyển vào vị trí này. Thực tế thì môi trường làm việc ở đây chưa chuyên nghiệp so với những công ty lớn mà tôi đã từng làm trước đây. Bộ máy lãnh đạo chủ yếu là do người trong gia đình nắm giữ. Nên nói gì thì nói, bộ phận nhân viên nhỏ như chúng tôi có vấn đề gì cũng phải nhìn trước ngó sau mới dám hành động. Ưu điểm lớn nhất ở đây là mức lương tương đối hậu hĩnh, các chế độ phúc lợi cho nhân viên cũng tốt hơn nhiều so với nhiều công ty lớn. Do đó tôi mới quyết định bỏ vị trí hiện tại để đến đây làm việc.

Tính đến thời điểm này, tôi đã làm việc ở đây được 5 tháng, tính chất công việc cũng như tính cách của mỗi người ra sao tôi đã hiểu khá rõ. Thời gian gắn bó tuy chưa lâu nhưng tôi bắt đầu thấy nản và đôi lúc ý định “nhảy việc” le lói trong đầu. Tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp cho lắm. Nhân sự liên tục có sự luân chuyển bộ phận, tính ỉ lại tồn tại khá nặng ở mọi người. Còn nhớ ngày đầu đến nhận việc, vừa bước vào phòng tôi đã được giám đốc chỉ định ngay công việc không liên quan gì đến chuyên môn: “Em cầm chổi đi quét văn phòng đi, tuần đầu tiên cứ hỗ trợ mọi người làm công việc này đã. Để các anh chị bộ phận khác tập trung vào chuyên môn của họ”. Phải nói là tôi thật sự thấy choáng khi được sếp giao việc, nhưng nghĩ mình là lính mới nên vẫn ngoan ngoãn làm theo. Nhưng cái nhiệm vụ làm “lao công văn phòng” ấy cứ kéo dài đến 3 tuần trời làm tôi cảm thấy không đồng tình. Vì vậy tôi đã chủ động bàn bạc với trưởng phòng – người trực tiếp quản lý để được đảm nhận công việc đúng chuyên môn.

Nhân viên mới muốn

Phải nói rằng, điều khiến một nhân viên cảm thấy chán nản nhất chính là họ không biết phải làm gì. Khi bắt tay vào làm, tôi không hề nhận được báo cáo bàn giao công việc của nhân sự cũ. Mọi kế hoạch cũng không được nắm rõ để có hướng triển khai. Thế nhưng khi tôi đưa vấn đề này ra hỏi trưởng phòng thì anh trả lời rằng: “Em cứ tự cân đối sao cho hợp lý nhé. Viết bài sao cho đúng bố cục là được. Anh không thể chỉ cho em từng bước được”. Hết lần này đến lần khác, những câu nói đó dường như đã trở thành câu nói cửa miệng của sếp. Chả nhẽ là nhân viên mới, tôi lại bật sếp, như thế là không nên. Nhưng thật sự trong hoàn cảnh như thế tôi chỉ muốn hét lên là “em không cần anh phải chỉ cho em từng bước. Cái em cần chỉ là hiện tại em sẽ nhận bàn giao công việc thế nào để triển khai những kế hoạch còn dang dở. Em cần những thông tin tối thiểu nhất để bắt đầu công việc”.

Cái kiểu chạy đôn chạy đáo đi khắp các phòng ban để “xin việc” lâu dần cũng thành quen. Tôi có cảm giác vì là công ty nhỏ nên các hoạt động truyền thông cũng chưa được quan tâm cho lắm. Sếp thì thuộc dạng bù nhìn, lịch làm việc của anh chỉ là sáng đến chấm công, tối hết giờ ra về. Thỉnh thoảng nịnh nọt vài câu, kể mấy mẩu chuyện tiếu lâm cho chị em giải khuây. Ngoài ra chẳng có gì đáng để báo cáo công việc. Nhiều lần tôi thấy tự ái khi giám đốc nhận xét về bộ phận mình: “Ai chứ sếp L thì nói làm gì, sếp giỏi quá nên phòng truyền thông cứ ngủ đông mãi không chịu dậy”.

Trưởng phòng của tôi thuộc tuýp người theo phong cách “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Thiếu năng lực chuyên môn, thành ra không quan tâm đến công việc của cấp dưới. Mỗi ngày viết bài PR hay lên một kế hoạch truyền thông nào đó, tôi đều gửi qua cho sếp duyệt. Nhưng thực ra anh chẳng bao giờ xem nội dung cụ thể, cái anh chú trọng chỉ là “soát lỗi chính tả” và không quên câu nói cửa miệng “em cứ tự cân đối sao cho hợp lý”.

Từ ngày tiếp nhận vị trí này, bản thân tôi chưa cảm thấy hứng thú trong công việc cho lắm. Đã nhiều lần tôi đề xuất các ý tưởng nhưng sếp xua tay rồi nói “em không cần làm thế. Anh thấy cứ giữ nguyên phong độ thế này thôi, mua việc vào thân, mệt em chứ có mệt cho ai. Phòng mình không được rót ngân sách nên làm gì cũng ở mức độ thôi”. Ấy là chưa kể đến việc trình độ ngoại ngữ của sếp không đạt đến trình độ cơ bản nhất. Chả là trong công ty tôi có mấy nhân viên là người nước ngoài, phòng truyền thông chúng tôi thường xuyên phải làm việc với họ. Tuy nhiên sếp không nói được Tiếng Anh. Mỗi lần có vấn đề gì anh lại chạy đôn chạy đáo “cầu cứu” cấp dưới làm thông dịch viên cho mình. Tôi có cảm giác, trong mắt mọi người anh giống như một trò cười hơn là một lãnh đạo. Mỗi lần nhờ ai đó phiên dịch xong, họ đều quay sang nửa đùa nửa thật với sếp. “Anh L lo mà đi học Tiếng Anh đi, bọn em không được trả lương phiên dịch riêng cho anh đâu nhé”.

Không những chuyên môn yếu, sếp còn mắc bệnh “dài dòng văn tự”. Có những khi anh lan man cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa đi được vào nội dung chính. Làm việc thiếu tinh tế, lại không khoa học khiến nhân viên nhiều khi cảm thấy khó chịu. Ngoài ra cách làm việc của sếp còn rất lặt vặt, cứ tiện miệng là giao việc chứ không hề quan tâm đến chuyên môn cũng như đặc thù công việc của mỗi người ra sao.

Phải nói rằng, do thiếu năng lực, không tạo được uy tín nên các phòng ban khác thường có thái độ xem thường sếp. Còn bản thân nhân viên như tôi dù hiểu rõ nhưng cũng bất lực.

Mới duy trì được vị trí này được 5 tháng, lý do quan trọng nhất cũng chỉ vì lương bổng cao nên tự nhủ cứ cố gắng hết mình. Thế nhưng cho đến thời điểm này tôi thật sự thấy nản quá, một bạn trong phòng tôi đã quyết định nghỉ việc vì cô ấy không có tinh thần làm việc ở môi trường này. Liệu tôi có nên tính kế hoạch cho mình, nhưng giải pháp nào là tốt nhất. Vì tôi biết ở cảnh “làm công ăn lương” ở đâu rồi cũng có người nọ người kia. Mọi người có cao kiến gì hay, xin hãy giúp tôi!

Linh Su 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.