Vùng Bắc cực của Nga đang mất dần đi lớp băng bao phủ và đang có các loài động vật từ phương Nam tới cư trú, một dấu hiệu mới nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một nhóm các nhà khoa học Nga đã đưa ra kết luận trên sau khi tiến hành nghiên cứu ba tháng tại quần đảo Franz Josef Land, quần đảo nằm ở cực Bắc của Nga với 191 hòn đảo vốn bị băng bao phủ.
Nhóm tám nhà khoa học, bao gồm các chuyên gia về địa mạo học, động vật học và thực vật học, đã vẽ bản đồ mới của quần đảo cũng như liệt kê các loài hiếm lần đầu tiên xuất hiện tại đây.
Sau khi khảo sát 42/191 hòn đảo của quần đảo này, các nhà khoa học ghi nhận vỉa băng bao phủ tại khu vực trên đã giảm mạnh kể từ cuộc thăm dò cuối cùng thời Liên Xô năm 1957.
Ngoài ra, trong số khoảng 20 loài chim được nhận dạng, bốn loài không thường gặp ở đây, đặc biệt là hai loài mòng biển đuôi nhạn và vịt đuôi dài. Những bầy chim này thường thấy phổ biến ở miền Nam và rõ ràng tình trạng ấm lên toàn cầu đã đưa chúng tới Bắc cực.
Các nhà khoa học cũng thu thập được tại đây một số loài muỗi hiếm, một trong số đó chưa từng được biết đến cho tới nay. Các kết luận khoa học cuối cùng sẽ được đưa ra vào năm 2013, khi nhóm nghiên cứu kết thúc xem xét dự liệu thu thập được.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc tan chảy các phần đất đóng băng ở vùng lãnh thổ phía Bắc rộng lớn của Nga có thể gây nguy hiểm cho cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này, trong khi các vùng đất màu mỡ ở phía Nam có thể trở nên không thích hợp cho hoạt động nông nghiệp.
Theo Vietnam+