Trong những năm qua, việc hiến tạng sau khi chết hoặc chết não không còn là điều mới trên thế giới. Bởi đã có những người tình nguyện làm nghĩa cử cao đẹp này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với nhiều người ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn xa lạ. Bởi trong quan niệm của người Việt, việc hiến tạng còn là điều gì đó xa vời. Trong chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” tổ chức vào tối 26/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, bà đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết hoặc chết não từ năm 2013.
Theo Bộ Trưởng Bộ Y Tế, khi đăng ký hiến mô tạng, bà được gia đình ủng hộ. “Tôi nghĩ có thể giúp ích cho những người bệnh, cho khoa học, các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người”.
Một trường hợp bệnh nhân chuẩn bị được ghép tạng ở Việt Nam
Bản thân Bộ trưởng Tiến cũng chia sẻ về cảm giác tim đập thình thịch trong lồng ngực của ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là hạnh phúc và là cách để tiếp tục sống.
Hiện nay, ở Việt Nam có 6000 bệnh nhân cần được ghép thận, có 1.500 người cần được ghép gan, 6000 người gần được ghép giác mạc. có 116 ca ghép thận, 48 trường hợp ghép gan, 13 trường hợp ghép tim, 1 trường hợp ghép thận – tụy, 1041 ca ghép giác mạc.
Từ những con số trên có thể thấy, nhu cầu ghép mô, tạng rất nhiều. Tuy nhiên, con số hiến tạng rất thấp. Trở ngại lớn nhất không phải là kỹ thuật ghép mà là do thiếu nguồn mô, tạng.
“Nhờ sự cho đi không vụ lợi một phần cơ thể mình của những người hiến tạng mà đã có hàng ngàn cuộc đời được tái sinh, được tiếp tục sống và cống hiến. Đặc biệt hơn, sự hiến tặng một hay nhiều bộ phận cơ thể có thể cứu sống nhiều người bệnh cùng một lúc.
Biến mất mát, đau thương của một gia đình thành niềm vui và hạnh phúc của nhiều gia đình khác, biến sự ra đi của một con người không phải là hành trình trở về cát bụi mà là hành trình hồi sinh sự sống. Những tấm lòng vàng, những người hiến tặng đó dù đang sống hay đã mất, đều đáng được xã hội trân trọng, biểu dương và tri ân”, Bộ trưởng kêu gọi.
Thiếu nguồn tạng
Cách đây không lâu, khi trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết (Giám đốc bệnh viện Việt Đức) cũng nhìn nhận vấn đề khó của ngành y tế khi nguồn tạng ít và hiếm trong khi số lượng người chờ ghép tạng lại rất nhiều. Một thực tế không phải là hiếm như người đồng ý hiến tạng đã đồng ý nhưng những người trong gia đình lại không nhất trí dẫn đến ý tưởng và mong muốn này rất khó để thực hiện.
Lĩnh vực nào cũng có những quy định, bản thân việc những quy định về hiến tạng cũng phần nào ảnh hưởng đến việc hiến tạng. Cụ thể, có người đã đồng ý hiến tạng nhưng 1 người em ruột lại không đồng ý với quyết định này. Từ đó, dẫn đến quyết định hiến tạng không được thực hiện.
Có một thực tế là có trường hợp qua đời do chết não, người đó đủ năng lực hành vi dân sự, đủ 18 tuổi nhưng vẫn không dễ dàng để hiến tạng. Bởi, điều kiện phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình chứ chỉ cần 1 người không đồng ý thì điều này không thực hiện được. Còn trên thế giới, việc hiến tạng khi đủ 18 tuổi, do chết não là thực hiện được.
Như tại Bệnh viện Việt Đức, trong 5 năm từ 2010-2015, chỉ có 20 người đăng ký hiến tạng. Thế nhưng, thực tế số người cần ghép tạng cao hơn số đó nhiều lần. Trong khi số trường hợp chết não, tai nạn giao thông hàng năm không phải là ít.
Với các bệnh nhân cần ghép tạng là những người đã bị suy gan, thận, tim giai đoạn cuối, các bác sĩ muốn cứu sống bệnh nhân nhưng nguồn tạng hiếm dẫn đến mọi việc đều bó tay. Thậm chí, có trường hợp cận kề giai đoạn cuối, người bệnh không biết trông chờ vào đâu dẫn đến mọi thứ quá muộn màng. Đó là những điều đáng tiếc, cần sự chung tay của cộng đồng.
Thanh Nga
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.