Những điều bất ngờ có thể phá hỏng hôn nhân

Những điều bất ngờ có thể phá hỏng hôn nhân

Dưới đây là 10 yếu tố được các nhà khoa học đánh giá là “không ngờ” có thể phá hỏng hôn nhân:

1. Một trong hai người quá lấn lướt người kia

Bạn nghĩ rằng người “cầm trịch” trong mối quan hệ sẽ là người thoải mái hơn? Đáng tiếc là không. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, sức ảnh hưởng và tầm kiểm soát của bạn với vợ/chồng càng lớn thì bạn sẽ càng không hạnh phúc.

Những điều bất ngờ có thể phá hỏng hôn nhân

Trong thời đại bình đẳng giới ngày nay, không ai trong hai bạn nên được “chỉ đích danh” là chủ nhân của gia đình. Nếu từ trước tới giờ bạn luôn nhất nhất nghe theo quyết định của người ấy, hãy học cách đưa ra ý kiến cá nhân nhiều hơn. Ngược lại, nếu bạn luôn là người đưa ra quyết định sau cùng, hãy học cách chia sẻ quyền lực đó với bạn đời của mình.

2. Không ghi nhớ các sự kiện quan trọng theo cùng một cách

Theo một nghiên cứu vào năm 2013, những cặp vợ chồng không thể nhớ về kỷ niệm xưa theo cùng một cách thì thường có mối quan hệ lỏng lẻo.

Giáo sư, Tiến sĩ Sarah Halpern-Meekin thuộc trường Đại học Wisconsin-Madison cho biết: “Nếu hai bạn không thể nhớ về một sự kiện quan trọng chung – như nơi hôn nhau lần đầu chẳng hạn – theo cùng một cách, hãy cẩn trọng, sợi dây liên kết giữa hai người đang bị kéo căng đấy”. Theo Giáo sư Meekin thì việc quên đi những kỷ niệm quan trọng có thể là dấu hiệu cho thấy tình cảm của một trong hai hoặc cả hai đã nguội nhạt.

3. Có những kỳ vọng không thực tế

Lúc nào cũng nhìn mối quan hệ đang có bằng đôi mắt bi quan thì rõ ràng là không tốt, nhưng kỳ vọng quá xa vời thì cũng không phải cách khả quan hơn.

Một nghiên cứu năm 2013 đã phát hiện ra rằng, những người “nuôi” hy vọng quá lớn vào hôn nhân thì cũng thường phải chịu nỗi thất vọng lớn hơn trong năm đầu tiên lập gia đình. Trong khi đó, những người có suy nghĩ thực tế và đã chuẩn bị trước tinh thần cho sóng gió thì có thể bước qua những năm đầu của cuộc hôn nhân một cách bình yên.

Không có mối quan hệ nào là hoàn hảo và mãi mãi tốt đẹp như thuở ban đầu. Nếu cứ cố “ôm” lấy ước vọng đó và không chịu đối mặt với thực tế, chỉ cần xảy ra một sự cố nhỏ trong đời sống hôn nhân là bạn sẽ có cảm giác rơi từ thiên đàng xuống địa ngục. Đừng kỳ vọng quá nhiều, hãy học cách chấp nhận thực tế như nó vốn vậy và yêu thương thực tế đó.

4. Không hy vọng sẽ cải thiện được mâu thuẫn

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những cặp đôi cầu nguyện (dù chỉ trong tâm trí) sau mỗi lần cãi nhau thì cũng thường có mối quan hệ bền chặt hơn. Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu người tham gia nói với nhau những lời chúc phúc lành và phân tích sự thay đổi trong mức độ liên kết giữa hai người sau đó. Kết quả là, khi các cặp đôi cầu nguyện cho nhau, cảm giác xúc động vì biết ơn sẽ giúp họ trở nên gần gũi và gắn bó.

Hãy chúc phúc cho vợ/chồng mình mỗi ngày. Nếu bạn không phải kiểu người “khéo miệng”, hãy dùng ghi chú hoặc tin nhắn điện thoại thay thế. Những câu như: “Chúc anh yêu có một ngày tuyệt vời”, “chúc em yêu làm việc hiệu quả”,… nghe có vẻ sáo rỗng nhưng lại ẩn chứa sức mạnh to lớn.

5. Lý tưởng hóa bạn đời của mình

Có vẻ như những kỳ vọng không thực tế luôn có hại, dù xét trên bình diện nào. Lý tưởng hóa bạn đời tức là cố tình áp đặt cho ngươì ấy những đặc trưng không có thật. Tệ hơn nữa, người đang lý tưởng hóa có thể sẽ ép buộc bạn đời phải trở nên “méo mó” để đáp ứng cho những ảo tưởng của riêng mình. Hành động này vừa khiến bạn dễ thất vọng vừa khiến đối phương cảm thấy bạn không hiểu con người thật của anh/cô ấy.

Những điều bất ngờ có thể phá hỏng hôn nhân

Ở mức độ vừa phải, lý tưởng hóa là một cách tốt để bạn nuôi dưỡng hy vọng vào mối quan hệ và không dễ dàng bỏ cuộc khi gặp sóng gió. Tuy nhiên hãy chắc rằn niềm tin của bạn là dựa vào những ưu điểm có thật của người ấy chứ không phải là tưởng tượng.

6. Quá cố gắng để trở nên hoàn thiện trong mắt nhau

Nếu cả bạn lẫn người ấy đều có cá tính và lập trường riêng rõ ràng thì cũng là một điều tốt cho mối quan hệ. Tuy nhiên một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: trong tình yêu, sự ân cần đối với nhau và với chính bản thân mình là điều quan trọng hơn cả. Nếu bạn muốn có một cuộc hôn nhân vững bền, hãy tập trung vào việc phát triển lòng trắc ẩn chứ đừng quá đề cao cái tôi của riêng mình.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng, nếu bạn quá cố gắng để trở nên hoàn hảo trong mắt người ấy, có thể bạn sẽ gặp tác dụng ngược. Trên thực tế, bạn càng có nhiều ưu điểm nổi trội và lấn át thì vợ/chồng bạn sẽ càng dễ có cảm giác tự ti vào bản thân. Các chuyên gia về mối quan hệ cho rằng, chúng ta phải coi hạnh phúc hôn nhân (chứ không phải vợ/chồng mình) là cái đích sau cùng cho mọi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

7. Không còn tò mò về nhau

Sự hiếu kỳ không phải lúc nào cũng tốt, nhưng xin đừng gạt bỏ yếu tố đó khỏi cuộc hôn nhân của bạn. Các nhà nghiên cứu tin rằng: những người hiếu kỳ có xu hướng coi khó khăn trong cuộc sống là thử thách thú vị chứ không phải mối đe dọa. Họ cũng giỏi giao tiếp hơn, linh hoạt hơn và “đa mưu túc kế” hơn.

Trong hôn nhân, sự hiếu kỳ vừa giúp các cặp đôi duy trì được hứng thú lâu dài với nhau vừa có ích khi đôi bên xảy ra xung đột.

Khi có mâu thuẫn, một người hiếu kỳ sẽ không lập tức làm ầm lên mà sẽ dừng lại để suy nghĩ xem có cách tiếp cận vấn đề nào nhẹ nhàng và hiệu quả hơn không. Đó là năng lực đặc biệt mà bạn nên học hỏi.

8. Nhắn tin cho nhau quá nhiều

Nếu vợ chồng bạn thường xuyên trao đổi mọi chuyện trong cuộc sống bằng cách nhắn tin hoặc ít nhất là một trong hai người có thói quen đó, hãy cẩn trọng, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Carolina tin rằng: nhắn tin nhiều là dấu hiệu cho thấy hôn nhân của bạn đang gặp vấn đề.

Nghiên cứu cho thấy những cặp đôi nhắn tin nhiều với nhau thường không thực sự thỏa mãn trong mối quan hệ của mình. Họ ít khi trao đổi trực tiếp và dần hình thành tâm lý căng thẳng, né tránh khi phải bàn bạc mặt đối mặt những công việc quan trọng.  

9. Suy nghĩ quá nhiều

Hẳn bạn cũng biết rằng, nếu đã mệt mỏi vì đường xa mà lại cứ lặp đi lặp lại câu hỏi “đã tới chưa?” thì bạn sẽ càng thấy đường xa thêm. Suy nghĩ quá nhiều và có những nỗi lo vô căn cứ không giúp bạn giải quyết vấn đề mà chỉ tạo ra thêm áp lực. Nguyên lý này cũng đúng trong hôn nhân.

Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy, nếu bạn muốn thay đổi điều gì đó trong mối quan hệ nhưng lại không chịu bắt tay vào hành động mà chỉ ngồi nghĩ suông thì bạn sẽ rơi vào cảnh “ngã về không”. Đừng tự tạo áp lực cho mình. Nếu bạn có điều gì muốn biết về người ấy thì hãy hỏi thẳng chứ đừng ngồi suy nghĩ vẩn vơ và tự đưa ra những suy đoán làm đau chính mình.

Những điều bất ngờ có thể phá hỏng hôn nhân

10. Quá thiên kiến về giới tính

Có nhiều cặp vợ chồng khẳng định là mình ủng hộ chủ nghĩa bình đẳng giới nhưng trên thực tế lại cư xử theo lối ngược lại. Các chuyên gia tâm lý gọi đây là hiện tượng “phân biệt giới tính một cách rộng lượng”. Ví dụ, nếu bạn vẫn cho rằng đàn ông thì tuyệt đối không được tỏ ra yếu đuối và phải luôn đóng vai người che chở trong mọi trường hợp, bạn không nên tự nhận mình là người có tư tưởng bình đẳng giới.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những phụ nữ xây dựng quá nhiều kỳ vọng “ảo” vào cái gọi là “nam tính” thì cũng dễ thất vọng trong hôn nhân của mình hơn. Hãy nhớ rằng, đôi khi chồng bạn tỏ ra yếu đuối không có nghĩa là anh ta “đàn bà” và không thể làm chỗ dựa cho bạn. 

Nguồn: Theo Goodhouse Keeping

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.