Dù đã trải qua các lớp học tiền sản, xin kinh nghiệm của không ít những bậc tiền bối đi trước, và cả đọc thuộc tất cả các cuốn sách về mang thai, thì những người lần đầu làm mẹ đều không tránh khỏi những tình huống bất ngờ, oái ăm khi đi đẻ. Kế hoạch sinh đẻ không bao giờ đi theo đúng lịch trình đặt ra, và mỗi bà mẹ đều có một kỷ niệm đáng nhớ chẳng giống ai. Trong phòng đẻ diễn ra những điều bí mật gì mà khiến ai cũng tò mò thế nhỉ?
Bị bác sỹ đuổi về nhà
Không ít những ông bố bà mẹ khăn gói đến bệnh viện, mong đến ngày được gặp con yêu thì lại bị bác sỹ “đuổi” về nhà. Nhiều trường hợp oái ăm mẹ bầu xuất hiện cơn co và đến ngày dự sinh, nhưng khi bác sỹ thăm khám lại không thấy tử cung có biến chuyển gì, hoặc cơn co quá nhẹ. Khi đó bác sỹ thường yêu cầu mẹ bầu về nhà, chỉ quay lại khi xuất hiện cơn co nhanh và mạnh hơn.
Bác sỹ có thể không ở bên cạnh bạn
Nhiều mẹ khá bất ngờ khi bị bơ vơ một mình giữa phòng đẻ. Không như trong tưởng tượng trước đó, bác sỹ sẽ kè kè bên cạnh hỗ trợ mẹ từng giây từng phút. Trên thực tế, chỉ có y tá, hộ sinh theo dõi quá trình chuyển dạ của mẹ. Đối với những trường hợp đặc biệt, bác sỹ mới là người trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên mẹ hoàn toàn yên tâm vì mọi chuyện đều nằm trong tầm kiểm soát của bác sỹ.
Gặp rất nhiều gương mặt
Cơn chuyển dạ kéo dài đồng nghĩa với việc mẹ được gặp rất nhiều bác sỹ, y tá, hộ sinh. Hơi phiền toái và xấu hổ một chút là mẹ sẽ được rất nhiều người khác nhau thăm khám xem tử cung đã mở rộng hết chưa và ước lượng thời gian chào đời của em bé.
Truyền thuốc kích thích co tử cung
Để rút ngắn thời gian đau đẻ, mẹ sẽ được truyền thuốc kích thích co tử cung. Phương pháp hỗ trợ sinh này áp dụng cho những mẹ có thai kỳ bình thường và khỏe mạnh. Khi truyền thuốc, mẹ có thể nằm, đứng, hoặc ngồi tại chỗ. Nếu cơ thể đáp ứng thuốc, các cơn co sẽ xuất hiện với cường độ nhanh mạnh hơn. Khi truyền thuốc xong mẹ nên di chuyển, đi lại nhẹ nhàng để tạo cơ hội cho bé chào đời dễ dàng.
Gây tê ngoài màng cứng
Gây tê ngoài màng cứng là thủ thuật làm tê liệt các dây thần kinh dưới thắt lưng, do đó khi lâm bồn mẹ sẽ dễ chịu và không cảm thấy đau. Để thực hiện thủ thuật này, bác sỹ sẽ tiêm một lượng thuốc tê nhỏ vào sống lưng mẹ, sau khoảng 15 phút thuốc tê sẽ có tác dụng. Khi gây tê ngoài màng cứng, mẹ sẽ được đặt ống thông tiểu vì bị mất cảm giác buồn tiểu. Phương pháp đẻ không đau này cũng buộc các bác sỹ phải theo dõi tình hình sản phụ, bởi sản phụ dễ bị tụt huyết áp khi áp dụng thủ thuật này.
Không thể nhịn tiểu
Tất nhiên chẳng có mẹ nào muốn lâm vào tình cảnh xấu hổ này – tiểu tiện trong khi lâm bồn. Tuy vậy đây là điều không thể tránh được khi rặn đẻ.
Không thế đoán trước được những cơn đau
Chẳng ai có thể đoán trước được thời điểm xuất hiện của những cơn đau, cho dù là bác sỹ nhiều kinh nghiệm hay thậm chí chính bản thân sản phụ. Một số mẹ phải trải qua những cơn đau kéo dài liên tục với cường độ nhẹ, âm ỉ, trong khi đó một số khác lại chuyển dạ dễ dàng hơn với cơn co nhanh mạnh.
Mọi chuyện diễn ra bình thường
Khi mang thai, các mẹ đều tưởng tượng ra ngày con chào đời là sự kiện trọng đại có ý nghĩa nhất đời mình. Nhưng trong phòng đẻ, mọi chuyện lại diễn ra khá bình thường và thực tế, mẹ có thể nghe loáng thoáng những câu chuyện thường ngày của các bác sỹ, y tá.
Theo dõi tim thai của bé
Trong quá trình chuyển dạ, mẹ được đặt máy theo dõi tim thai ngay trên bụng. Tuy nhiên nếu phát hiện tim thai bất thường hoặc không đo được tim thai, bác sỹ sẽ gắn trực tiếp máy theo dõi lên đầu thai nhi.
Điều thú vị khi em bé chào đời
Nhiều mẹ nghĩ mình đã hoàn thành nhiệm vụ khi em bé chào đời khỏe mạnh. Tuy nhiên khi này vẫn xuất hiện những cơn co và áp lực muốn đẩy cái gì đó ra ngoài. Sau khi cắt dây rốn em bé xong, bác sỹ sẽ yêu cầu mẹ rặn thêm một lần nữa để đẩy nhau ra ngoài.
Bạn có thể nhìn thấy nhau của chính mình
Trong trường hợp đẻ thường, nếu tò mò mẹ có thể nhìn thấy bánh nhau của chính mình. Chắc chắn mẹ sẽ bất ngờ về hình dạng của nó đấy.
Bé sẽ rất bận rộn
Sau khi chào đời, bé được vệ sinh sạch sẽ. Sau đó bé được uống vitamin K – vitamin ngăn ngừa chảy máu não và được tiêm phòng viêm gan B. Bé còn thoa một lớp thuốc mỡ kháng viêm, nhằm loại trừ nguy cơ mắc các biến chứng về mắt trong quá trình đi qua đường âm đạo của mẹ.
Bố cũng sẽ bất ngờ
Sẽ là một kỷ niệm khó quên và hơi sốc với bố nếu được chứng kiến tận mắt đứa con mình ra đời như thế nào. Một số bệnh viện phụ sản cho phép bố được vào phòng đẻ cùng mẹ để động viên tinh thần và tự tay cắt dây rốn cho con. Chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm đầy cảm xúc với các ông bố khi được đồng hành cùng mẹ trong giờ phút thiêng liêng đón con yêu chào đời.
Việt Hà – Dịch từ WTE
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.