Nếu chưa từng được đứng ở hành lang bệnh viện, chứng kiến cảnh vợ mình đi chầm chậm, lưng hơi còng, tay ôm bụng còn mặt thì nhăn nhó, đau đớn thì có lẽ các ông chồng chẳng bao giờ có thể hiểu hết và trân trọng cái sự “mang nặng đẻ đau” này. Dân gian thường nói “có đau đẻ mới biết thế nào là đời”. Câu nói đủ để hiểu mẹ phải trải qua những cơn đau khủng khiếp đến thế nào, mới có thể cho chào đời một em bé khỏe mạnh, đáng yêu. Là những ông bố tương lai, bố có thể giúp cơn đau đẻ của mẹ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, bằng những hành động sau đây.
1. Mát xa
Tất nhiên là không phải mát xa cả người đâu, nên các ông chồng đừng vội hoảng. Có thể mát xa mặt, vai, lưng, chân, tay. Hành động tuy nhỏ này nhưng lại là liều thuốc tinh thần có giá trị rất lớn với những mẹ bầu đang nhăn nhó vì đau đẻ. Hơn nữa những động tác mát xa nhẹ nhàng sẽ khiến mẹ bầu thoải mái hơn rất nhiều.
2. Vào phòng sinh cùng vợ
Một số bệnh viện cho phép người thân được vào phòng sinh hỗ trợ bà đẻ. Nếu có cơ hội, những ông bố tương lai hãy xung phong nhé. Kể cả khi không giúp được gì thì việc có mặt trong giây phút quan trọng cũng có ý nghĩa tinh thần rất lớn đấy. Những khi mẹ bầu xuống sức, nản chí và muốn xin đẻ mổ thì một cái nắm tay, một ánh mắt của bố cũng tiếp thêm sinh lực cho mẹ.
3. Hãy dùng những từ ngữ tích cực
Đừng nói với vợ mình rằng “có đau mấy đâu mà”, “sao nhìn em khiếp thế”, “mệt đến thế cơ à”…. Những câu nói nghe có vẻ bình thường này nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý bà đẻ đấy. Thay vì “vô tâm” như vậy, các ông chồng nên nói năng nhẹ nhàng, động viên vợ bằng những câu tích cực như “cố lên”, “em giỏi lắm mà”, “mình cùng cố gắng vì con yêu nhé”…
4. Nói chuyện với vợ nếu vợ muốn
Nói chuyện cũng là một cách hay để bà đẻ quên đi cơn co đau khủng khiếp và vừa để trấn an tinh thần nữa. Nếu vợ có lo lắng vì bất cứ điều gì, hãy tìm đến bác sỹ và nhờ giải đáp.
5. Nhắc nhở bà đẻ tập thở
Khi chuyển dạ, vì đau mà có thể bà đẻ không nhớ được các nguyên tắc hít thở để giảm cơn đau và sinh nở dễ dàng. Lúc này sự hỗ trợ của các ông chồng là rất lớn. Khi cổ tử cung mở dưới 3cm nên thở chậm, sâu, thông thường thở 6-9 nhịp cho một cơn co khoảng 50 giây. Khi cổ tử cung mở 7-9 cm thì nên thở phù phù, giống như thổi nến.
6. Chú ý đến việc ăn uống trước khi chuyển dạ
Nhắc nhở bà đẻ uống nhiều nước, ăn nhẹ để lấy sức rặn đẻ. Có thể uống sữa, ăn cháo, không nên ăn trứng gà sẽ gây khó tiêu.
7. Giúp bà đẻ kiểm soát cơn đau
Khi quá đau, bố có thể giúp mẹ thay đổi tư thế để cảm thấy dễ chịu hơn. Có thể quỳ gối, đầu hơi hướng về phía trước, có thể ngồi xổm hoặc đi lại để cơn đau dịu đi.
8. Bảo đảm sự yên tĩnh và thoải mái
Trong môi trường yên tĩnh, thoải mái, bà đẻ sẽ đỡ căng thẳng và có thể tập trung vào nhịp thở cũng như rặn đẻ. Tránh gây ồn ào ảnh hưởng đến tâm lý bà đẻ.
9. Cho cô ấy biết rằng mọi chuyện đang tiến triển rất tốt
Luôn động viên khích lệ và cho cô ấy biết rằng mọi chuyện đang tiến triển rất tốt cũng giúp bà đẻ lấy lại tinh thần, tiếp tục chịu đựng những cơn đau và lấy sức cho cơn rặn đẻ sắp tới.
Anh Đào – Nguồn: MJ
Hồi hộp xem cảnh bé chui đầu ra khỏi bụng mẹ