Những kẻ dựa hơi sếp nơi công sở

Những

 Nói không ngoa, sếp càng nhỏ nhen, độ “đồng bóng” càng cao thì xuất hiện càng nhiều những đối tượng sống kiểu “le ve”, dựa hơi và xun xoe với sếp, đồng thời hách dịch, tráo trở với anh em đồng nghiệp. Họ đến từ chính thói quen và quan điểm dùng người của sếp.

Sếp tin lầm:

Hồi còn làm cộng tác cho một tạp chí lớn về gia đình, bà mẹ – trẻ em, tôi đang vui vẻ, công việc đang suôn sẻ thì bỗng dưng chị biên tập tôi quen bị người ta kỷ luật và không được phụ trách chuyên mục nữa. Tôi chỉ cảm nhận chung chung là chị biên tập viên cũ của tôi có điều gì ấm ức nhưng không tiện nói ra. Về sau tôi mới biết, người mới thay chị là kiểu nhân viên sống nhờ vào sếp, nghĩa là chẳng được nước gì, nhưng được lòng sếp vì quá nịnh. “Đá” đi “đá” lại mấy nơi mà công việc chẳng đâu vào đâu, chị tìm cách hất cẳng người khác ra để chen vào chuyên mục đang vận hành đều đặn, “ngon lành” nhất.

Làm việc với tôi, biên tập viên mới phải nói là yếu kém về chuyên môn nhưng độ hống hách thì khỏi nói. Tôi không tự cao đâu, tôi tuy chỉ là cộng tác viên, nhưng là cộng tác viên cứng, hiểu rõ xu hướng và đặc điểm nội dung của báo, lại khá nghiêm túc trong công việc. Vậy mà đã từng có những email chị trả về không nhận đến ba lần chỉ vì những lỗi vụn vặt, kiểu như tôi viết số chen vào với chữ hay tôi chỉnh chưa đúng cỡ chữ của phần chú thích. Tôi đồng ý là mình nên chỉn chu trong việc soạn email, nhưng giá như chị đánh giá nội dung cũng được chặt chẽ như cách chị bắt bẻ về hình thức thì tôi sẽ nể hơn nhiều. Bài rõ hay chị chê “mờ nhạt quá”, bài rõ nhảm chị khen hay. Chị đưa ra những ý kiến mà tôi không phục tí nào, thể hiện quan điểm nhảm nhí, chộp giật trong biên tập. Hỏi ra mới biết cả đám cộng tác viên như tôi cũng đang la ó vì biên tập viên chẳng giống ai này.

Cuối cùng, sau 3 bài viết, bị vặn vẹo dở hơi, tôi “ạ” chị, chuồn mất hút, mặc kệ cho mấy lần chị gửi email mời tôi viết thêm bài. Nghe đâu sau 2 tháng chuyên mục đang “đẹp” bỗng trở nên hoang phế, vì vừa thiếu cộng tác viên vừa yếu biên tập viên, sếp bên đó cũng phải nhìn nhận lại.

Những

Sếp thích nghe hóng hớt:

 Chuyện này tôi nghe một chị bạn kể lại: Chẳng là hồi ấy chị làm việc cho một công ty tài chính, có con bé trưởng phòng của chị thì vô đối. Nó là dạng “chân gỗ” cho sếp, chuyên nghe ngóng tình hình và hớt lẻo. Sếp là người cực đoan, sẵn sàng dùng người dốt nhưng tỏ vẻ trung thành còn hơn dùng người giỏi mà không điều khiển được họ. Mọi sự việc qua cái mồm của nó bị bóp méo hoàn toàn về bản chất. Rất nhiều lần sếp trưởng nổi cơn thịnh nộ, đập cả bàn ghế quát tháo, không để đám nhân viên kịp nói thêm câu nào chỉ vì sếp “nghe được” về  chuyện mọi người “làm loạn”, chê bai sếp quản lý yếu kém và làm cho nhân viên khốn khổ! Không ai thanh minh được gì với sếp, đành ngậm ngùi về phòng làm việc mà mang nỗi ấm ức trong lòng. Sau cả năm con bé lộng hành, quá nửa người trong phòng xin nghỉ. Số còn lại làm đơn “kêu cứu”, nêu rõ họ đã khổ thế nào dưới sự yếu kém và dựa hơi của nó. Chỉ rõ cho sếp thấy, tiền của sếp đã bị mất oan như thế nào với một con bé trưởng phòng luôn có những ý tưởng đứng đầu trong nhóm “tối kiến” và bảo thủ, khi được góp ý thì đem sếp ra để hù ma người khác.

Sau khi con bé ấy bật ra khỏi công ty, nghe nói sếp lại đang tìm “chân gỗ” khác. Kiểu như cứ phải có người làm “công an mật”, dò tìm lý do vụn vặt và hớt lẻo thì sếp mới yên tâm hay sao vậy.

Làm chân gỗ, sung sướng hay đáng thương?

Ai cũng nghĩ làm những kẻ dựa hơi sếp như thế là sướng lắm, vì muốn gì được nấy. Nhưng chính tôi chứng kiến một đứa nhân viên chuyên đi nịnh nọt, đã bị sếp hành cho chảy nước mắt trong chuyến đi nghỉ mát. Chẳng là trong mắt sếp, đám nhân viên tẹp nhẹp như kiểu chúng tôi thì quan trọng gì. Con bé cả năm nay “chú cháu” “dạ thưa” với sếp mới đáng được tin dùng. Thôi thì khỏi nói, từ chuyện sếp bị đầy bụng khó tiêu đến chuyện sếp cần mang theo hộp sữa mà sếp không nhớ tên nhưng nó “có cái hình lá cây, uống ngon lắm”, vợ sếp vẫn mua ở nhà… đều phải do con bé ấy trực tiếp đi tìm mua, đưa cho sếp uống. Chồng nó đang gọi điện hỏi thăm cũng bị sếp xông thẳng vào, ngắt lời làm nó cắt điện thoại cái “bụp” mà chồng không hiểu chuyện gì. Sếp thì khó tính, quen ăn sung mặc sướng, tuổi chưa cao nhưng bệnh tật nhiều, lại quen có người phục vụ. Thôi thì một khi đã được sếp tin yêu thì phải trở thành bác sĩ kiêm bảo vệ kiêm người kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và nhân viên phục vụ buồng phòng. Kinh khủng luôn, tôi không biết nói gì để diễn tả hết được vấn đề. Thế mới hiểu cái gì cũng có cái giá của nó. Và giá đắt nhất là lòng tự trọng.

Dạ Thảo
 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.