Những lỗi thường gặp khi lên kế hoạch cưới

1. Thiếu vắng phong cách riêng

Sai lầm lớn nhất mà các lễ cưới thường gặp phải là thiếu vắng phong cách riêng. Tất nhiên, lễ cưới không nhất thiết phải có một chủ đề nào đó. Nhưng ít nhất, nội thất, thực đơn và âm nhạc của bữa tiệc phải thể hiện được rằng cô dâu, chú rể đã góp phần vào khâu lên kế hoạch. Đây là ngày trọng đại nhất của đời bạn, vì vậy nó phải phản chiếu hình ảnh bạn trong đó.  

2. Lãng phí tiền bạc

Tổ chức tiệc cưới là một loại hình dịch vụ có thể hái ra tiền. Thế nên đừng vội vàng nghe theo tất cả lời khuyên ở bên ngoài vì rất nhiều trong số đó là đến từ những người sẽ kiếm được lợi nhuận nhờ lễ cưới của bạn. Hãy cẩn trọng với tất cả những lời “tư vấn” may/mua một chiếc váy cưới đắt tiền hơn hoặc dùng xe rước dâu sang trọng hơn. Bạn phải kiểm soát được hầu bao của mình và biết rõ thứ gì thì đáng đồng tiền, thứ gì thì không.

3. Quên mất ý nghĩa thực sự của tiệc cưới

Tiệc cưới là lúc cô dâu và chú rể cùng xuất hiện trước mặt người thân và quan khách hai họ để trao nhẫn, chính thức trở thành vợ chồng một cách danh chính ngôn thuận. Nhưng ý nghĩa quan trọng này thường bị lãng quên, nhường chỗ cho những mâm cao, cỗ đầy hay nói thẳng ra là việc ăn uống. Để có một tiệc cưới đúng nghĩa, bạn hãy chú trọng đến những yếu tố sẽ khiến lễ cưới của bạn đáng nhớ chứ đừng quá đề cao giai đoạn đãi tiệc.

4. Không đánh giá đúng vai trò của MC và chủ hôn

Có hai nhân vật đóng vai trò rất chủ chốt trong ngày vui của bạn là MC (người dẫn chương trình) và chủ hôn. Nếu MC dẫn chương trình một cách nhạt nhẽo, lễ cưới của bạn sẽ khiến tất cả khách mời buồn ngủ. Còn vị chủ hôn thường được chọn trong số người thân của gia đình hai bên. Theo quan niệm của người Việt từ xưa, chủ hôn phải là người đứng tuổi, đáng kính, hiểu biết rộng để tăng thêm phần trang trọng cho lễ cưới. Nếu bạn chọn cách thuê dịch vụ cưới, bạn cần biết rằng các trung tâm tổ chức tiệc cưới hiện đại thường kết hợp hai vị trí MC và chủ hôn thành một. Do họ gánh vác những trách nhiệm lớn, bạn không những phải hiểu rõ mà còn phải hòa hợp được với hai người này.

5. Chủ quan trong vấn đề thời tiết

Rất nhiều cặp đôi lên kế hoạch cho lễ cưới mà quên không chuẩn bị một “kế hoạch B”. Nếu bạn có ý định tổ chức lễ cưới ngoài trời, phải chắc rằng bạn sẽ có một địa điểm thay thế nếu chẳng may trời đổ mưa. Hãy giao cho một người thân tín danh sách những nhà cung cấp dịch vụ, số điện thoại quan trọng và thời gian dự kiến. Bạn phải biết chắc rằng nếu phát sinh sự cố dọc đường, bạn sẽ có phương án ứng cứu ngay lập tức.

6. Vung tay quá trán

Bạn có một khởi đầu tốt. Bạn biết rõ là mình đã tiết kiệm được bao nhiêu, cha mẹ sẽ cho bao nhiêu và tài khoản ngân hàng đang ở mức độ nào. Nhưng trước khi bạn biết tất cả những điều đó, bạn đã kịp vung tiền ra để mua vài đôi giày hàng hiệu. Và khi bạn nói số tiền bạn có thể chi trả cho lễ cưới, bên cung cấp dịch vụ sẽ cười sau lưng bạn. Có rất nhiều cặp vợ chồng sắp cưới không ý thức được mức độ quan trọng của việc tiết kiệm và rồi phải bắt đầu cuộc hôn nhân trên một đống nợ nần. Thay vào đó, hãy sử dụng ngân sách đám cưới để biết bạn có thể thêm bớt những gì và tiết kiệm đến mức tối đa. Thiết lập một ngân sách rõ ràng không chỉ giúp bạn tổ chức lễ cưới tốt hơn mà còn hình thành cho bạn một kĩ năng quan trọng cho cuộc sống vợ chồng sau này.

7. Vui chơi quá đà vào đêm trước lễ cưới

Nếu bạn không muốn thức dậy với một cái đầu nhức như búa bổ, da dẻ thì phù lên và tệ hơn nữa là bị cơn đau dạ dày tấn công, hãy ban cho mình một đặc ân là không ăn nhậu quá đà vào đêm trước. Bạn có muốn giữ sự minh mẫn và diện mạo xinh đẹp nhất cho lễ cưới của mình không?

8. Không đủ quan tâm tới khách mời

Vẫn biết ngày cưới là ngày trọng đại nhất trong đời bạn nhưng không phải vì thế mà bạn phớt lờ cảm xúc của khách mời. Một cô dâu tuyệt vời là người quan tâm đến tất cả nhân vật có mặt trong lễ cưới của mình. Hãy suy nghĩ về tất cả các chi tiết trong lễ cưới của bạn, sao cho không chỉ bạn mà toàn bộ khách quý đều sẽ hài lòng. Các vị khách mời có buộc phải đứng xung quanh chờ cả tiếng đồng hồ trong lúc bạn chụp ảnh không? Thời tiết tại nơi lễ cưới diễn ra có làm họ thoải mái không? Bạn sẽ chuẩn bị đủ nước và quạt nếu trời nóng và máy sưởi nếu trời lạnh chứ? Thời gian tổ chức lễ cưới có tiện cho họ sắp xếp công việc không?

9. Chú rể đứng ngoài cuộc

Lễ cưới với tất cả những khâu chuẩn bị phức tạp của nó thường khiến các chú rể… hoảng sợ. Vì cô dâu là phụ nữ mà phụ nữ thì thường có gu thẩm mỹ tinh tế và cẩn thận hơn đàn ông nên việc lên kế hoạch cưới sẽ bị đẩy cho họ. Thực tế thì chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 và việc lên kế hoạch lễ cưới không phải là việc của riêng ai. Bạn không nên ôm hết trách nhiệm về mình mà hãy nói chuyện với chồng tương lai để anh góp sức cùng bạn.

10. Quá lo lắng vì những điều nhỏ nhặt

Bạn cần tập trung vào những điều thực sự quan trọng với mình. Đừng sa lầy vào những chi tiết nhỏ nhặt và không thực sự cần thiết. Nếu chẳng may có một sự cố nhỏ xảy ra như váy cưới chưa vừa với bạn, người làm phù dâu đột nhiên có việc bận hay menu đồ ăn sẽ phải điều chỉnh lại… Bạn không nên quá lo lắng mà hãy cố gắng nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Trong những lúc khó khăn nhất, đừng đánh mất sự hài hước và tinh thần lạc quan của mình.

Nguồn: Theo About.com

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.