Những lưu ý khi đo huyết áp tại nhà

0
116
Những lưu ý khi đo huyết áp tại nhà

Việc đo huyết áp tại nhà không quá phức tạp, không đòi hỏi thiết bị quá đắt tiền, cách sử dụng dụng cụ cũng như cách thức đo dễ dàng, đơn giản.

  • 1

    Chọn dụng cụ đo

    Có ba loại máy đo huyết áp là máy đo huyết áp thủy ngân (chính xác nhất và độ tin cậy cao nhưng cồng kềnh), máy đo huyết áp đồng hồ (tiện dụng, chính xác, cần chỉnh theo máy đo huyết áp thủy ngân mỗi sáu tháng), máy đo huyết áp điện tử (tiện dụng, dễ đo nhưng ít chính xác hơn hai loại kia, mỗi sáu tháng cần kiểm tra lại độ chính xác).

    Tuy nhiên, nên chọn loại đã được kiểm định chất lượng để có độ chính xác cao, nên sử dụng loại băng quấn cánh tay, không nên sử dụng loại đo ở cổ tay, ngón tay vì không chính xác.
     
    Máy đo huyết áp thích hợp là máy có chiều dài túi hơi ít nhất bằng 80% chu vi vòng cánh tay (hoặc vòng đùi), chiều rộng túi hơi ít nhất bằng 40% chu vi vòng cánh tay (hoặc vòng đùi). Chọn máy có túi hơi lớn hơn chuẩn sẽ làm huyết áp thấp hơn bình thường và ngược lại. Nếu không có máy thích hợp thì nên chọn loại có túi hơi lớn hơn chuẩn một chút, không nên chọn loại nhỏ hơn chuẩn.
  • Những lưu ý khi đo huyết áp tại nhà
  • 2
    Cách đo huyết áp tại nhà
     
    Trước khi đo, người được đo lưu ý:
    – Không uống cà phê một giờ trước khi đo. Không hút thuốc lá 15 phút trước khi đo. Không sử dụng thuốc cường giao cảm (chẳng hạn Phenylephrine để chữa xuất tiết niêm mạc mũi hoặc thuốc nhỏ mắt để giãn đồng tử) trước đó.

    – Nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo.

    – Không đo huyết áp sau khi ăn hoặc mới ngủ dậy.

    Cách đo huyết áp bằng máy đo huyết áp điện tử:

    – Ngồi tư thế thật thoải mái trên ghế tựa lưng, cẳng tay kê lên bàn ngang tầm tim. Nếu để cao quá, huyết áp sẽ thấp và ngược lại. Với tư thế nằm, tay cũng để ngang tim. Trong thời gian đo tay thả lỏng hoàn toàn, không được gồng hay nâng lên hạ xuống.

    – Quấn túi hơi bao trọn chu vi cánh tay và 2/3 chiều dài cánh tay người được đo. Túi hơi phải tiếp xúc với cánh tay, tránh để túi hơi bao luôn tay áo.

    – Tiến hành đo theo hướng dẫn sử dụng máy. Ngoài trị số huyết áp, một số máy còn cung cấp thêm thông số nhịp tim.

    – Khi đo huyết áp bị báo lỗi hoặc nghi ngờ không chính xác thì không đo lại ngay mà đo lại sau 5 phút nghỉ ngơi.

  • 3

    Đo huyết áp tại nhà có lợi cho người tăng huyết áp

    Có một hiện tượng được nêu trong y khoa là tăng huyết áp “áo choàng trắng”, đó là hiện tượng huyết áp đo trên bệnh nhân tới khám bệnh tại bệnh viện thường cao hơn khi đo ở nơi khác, chẳng hạn ở nhà. Điều này được lý giải là do bệnh nhân cảm thấy lo lắng, hồi hộp khi gặp bác sĩ, những người mặc “áo choàng trắng”.

    Một số nghiên cứu cho biết hiện tượng này chiếm khoảng 26% những người tới phòng khám, trong đó nam giới chiếm 31,25%, nữ giới chiếm 68,75%. Đo huyết áp tại nhà giúp người bệnh chủ động hơn trong việc kiểm tra huyết áp cũng như tránh hiện tượng tăng huyết áp “áo choàng trắng”.

    Với những người đang điều trị tăng huyết áp, rõ ràng việc đo huyết áp thường xuyên giúp theo dõi để đánh giá hiệu quả điều trị, thông báo cho bác sĩ chỉnh liều thuốc nếu chưa kiểm soát tốt huyết áp, phát hiện những cơn tăng huyết áp để can thiệp kịp thời.

    Huyết áp thay đổi theo thời điểm trong ngày. Huyết áp thường thấp hơn mức bình thường vào ban đêm, khi ngủ. Huyết áp sẽ tăng lên trong ngày, khi mới thức dậy, khi sinh hoạt, đi lại, thường cao nhất vào buổi trưa. Đến chiều tối huyết áp lại hạ xuống. Nếu có bất thường trong chu kỳ này, chẳng hạn huyết áp cao vào buổi sáng, có thể bạn đang gặp vấn đề nào đó về sức khỏe, chẳng hạn như kiểm soát huyết áp không tốt, thiếu ngủ…

    Một số yếu tố nguy cơ gây bất thường trong chu kỳ huyết áp như: làm việc khuya, uống cà phê, hút thuốc, nhiều căng thẳng, điều trị thuốc hạ huyết áp không kéo dài 24 giờ… Đo huyết áp vào các thời điểm khác nhau trong ngày, bạn có bức tranh về chu kỳ huyết áp để phát hiện và xử trí khi có bất thường.