1. Dưa, cà muối
Dưa, cà muối là một món ăn dân dã, rẻ tiền, phổ biến và được nhiều người yêu thích nhất dải đất hình chữ S. Nếu ở miền Bắc có món dưa, cà muối nén, món dưa bắp cải rau răm muối xổi chua chua mặn mặn đưa cơm thì ở các miền trong, phiên bản của dưa cà muối lại thường có thêm vị ngọt của đường. Đơn giản là vậy nhưng món muối chua này luôn được lòng mọi người và đặc biệt để lại nhớ thương cho những người con xa xứ.
Những quả cà pháo chua, giòn tan ăn cùng canh cua khiến bữa cơm ngon miệng hơn.
Dưa cải muối xổi….
…hay dưa cải bẹ muối nén đều là những món ăn giải ngấy tuyệt vời.
2. Dưa món
Dưa món là một trong những món ăn giải ngấy và cũng là món ăn không thể thiếu vào dịp Tết của người miền Trung và miền Nam. Nguyên liệu để làm dưa món thường là đu đủ, su hào, củ cải, cà rốt… Các nguyên liệu được phơi héo trước khi muối chua ngọt với nước mắm và đường. Dưa món có vị ngon, giòn dai dai mê mẩn lòng người.
3. Kiệu chua
Cũng như dưa cà, kiệu muối chua là một món ăn kèm giải ngấy rất hiệu quả, những tép kiệu trắng phau, căng mọng, chua dìu dịu rất tuyệt vời khi ăn kèm thịt quay hay thịt luộc.
Sự xuất hiện của bát kiệu muối chua ngọt khiến mâm cơm hấp dẫn hơn.
4. Hành muối
Hành muối có mặt trong mâm cơm truyền thống của nhiều gia đình Việt, đặc biệt là trong ngày Tết khi kết hợp cùng bánh chưng. Hành muối có vị mặn, giòn, chua, cay, rất hợp để giải ngấy trong bữa cơm nhiều thịt, nhiều đạm. Người ta có thể dùng hành trắng hoặc hành tía để muối nhưng theo kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ thì củ hành trắng hay hành hương ăn ngon và thơm hơn hành tía. Hành tía hăng, cay hơn khiến cho vại dưa lâu chín hơn.
5. Nhút mít
Nhút mít là đặc sản của miền Trung, đặc biệt là vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và được coi như dưa muối của vùng nay. Dưa nhút được muối từ xơ mít hoặc những quả mít non cùng muối biển nén chặt trong vại. Sau vài ngày, phần nhút lên men tỏa mùi chua dịu là lúc bạn có thể ăn được. Dưa nhút có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến thành các món ăn khác đều rất ngon.
Món gỏi nhút thịt gà.
6. Su hào nén
Đây là một món ăn phổ biến của người miền Bắc, đặc biệt là vào mùa đông khi su hào vào mùa, củ to và ngon. Lúc này, các bà nội trợ chọn xu hào vừa tới, nén cả củ với muối trắng thật chặt dưới đáy vại, chờ một vài tuần khi củ xu hào thấm muối, lên men chua, cả củ giòn, ngọt và chua dịu là có thể cắt ra thưởng thức được.
7. Măng muối
Măng muối là món ngâm chua nổi tiếng của nhiều tỉnh miền núi phía bắc. Măng muối có nhiều loại như măng tre, măng vầu, măng bương… nhưng cách chế biến khá giống nhau, măng tươi được cắt lát, trần qua nước sôi rồi muối cùng ớt tươi, dấm, muối, đường… Những lát măng ớt cay nồng thơm ngon thường được ăn kèm với các loại bún, mì hoặc nấu canh chua.
8. Sung muối
Xưa kia, sung được biết đến như là quả ăn vặt của trẻ con và là món ăn của người nghèo. Tuy nhiên, ngay nay, khi người ta “biết ăn” và sành ăn hơn, quả sung đã đi vào thực đơn của rất nhiều hàng quán và gia đình, trở thành một món ăn mặn hấp dẫn. Món ngon nhất từ quả sung chính là sung muối. Sung muối được miêu tả là chua, dịu, giòn, bùi, có thể ăn thay cà trong bữa cơm hoặc ăn cùng ốc luộc, bún riêu cũng rất hợp.
9. Ca la thầu
Món ăn có xuất xứ từ Trung Hoa nhưng được nhiều người Việt ưa chuộng này được làm từ củ cải xắt miếng, ngâm muối qua đêm để loại bỏ mùi hăng củ cái rồi trộn với xì dầu, đường. Vị giòn giòn, mằm mặn, chua chua của món này rất hợp ăn với cháo trắng hoặc cơm. Ngoài ra món này cũng có thể dùng để nấu kho thịt hay sườn.
Nguồn: Theo ttvn
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.