Sữa tươi – thủ phạm ít ngờ
Bé Sophie – Lâm thường xuyên bị táo bón trong vài ba tháng trở lại đây. Mặc dù mẹ bé, chị Thu Hà đã thử hết cách từ thay đổi chế độ dinh dưỡng đến sử dụng một số thực phẩm giúp nhuận tràng song tình hình cũng không mấy cải thiện. Mãi đến khi bé được 15 tháng, trong 1 lần khám định kỳ, bác sĩ mới phát hiện ra sữa tươi gây ra táo bón cho bé.
“Mình rất quan tâm đến chế độ ăn của Sophie, tìm mọi cách để bé ăn đồ mềm, dễ tiêu, nhiều rau, nhiều nước song bé vẫn bị táo. Mặc dù bé vẫn đi tiêu mỗi ngày song rất khó khăn thậm chí có lần còn bị chảy máu. Mình có trình bày với bác sĩ của gia đình tình hình của bé thì bác sĩ nghi ngờ rất có thể bé bị phản ứng với sữa tươi, gây ra táo bón.”, chị Hà chia sẻ, “ Trước đó bé vẫn uống sữa công thức và không hề có dấu hiệu bị dị ứng đạm sữa bò. Thêm vào đó mình chưa hề nghe đến việc uống sữa tươi táo bón hết, chỉ nghe thông tin sữa công thức bị táo thôi nên khi nghe bác sĩ nói vậy mình không tin tưởng lắm song cũng thử dừng sữa tươi, quay trở về sữa công thức thì sau 4 ngày đã thấy tốt lên rõ rệt”.
Sữa nguyên kem đôi khi trở nên “quá sức” với dạ dày của bé
(Ảnh: Cookstr)
Thông thường trẻ hay bị táo bón do những thay đổi trong chế độ ăn uống, ví dụ chuyển từ bú sữa sang chế độ ăn đặc (ăn dặm), chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức hoặc được làm quen với những thực phẩm mới. Riêng ở một số trẻ gặp phải tình trạng táo bón khi chuyển từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang sữa tươi nguyên kem ở giai đoạn ngoài 1 tuổi. Điều này được giải thích như một dạng dị ứng với một số chất trong sữa tươi như casein hoặc tình trạng cơ thể chưa làm quen với hàm lượng chất béo cao trong sữa tươi (trẻ dưới 1 tuổi được uống dạng sữa công thức có thành phần là sữa gầy đã tách béo).
Để giải quyết tình trạng này, cha mẹ nên cho bé giới thiệu một cách từ từ, ví dụ trong tuần đầu có thể cho bé uống 1/5 sữa tươi và 4/5 sữa mẹ (hoặc sữa công thức bé đang quen uống) tính trên tổng lượng sữa hàng ngày bé cần và sau đó tăng dần dần lượng sữa tươi lên.
Bận chơi, quên ”xả”
Bé Hải Anh lại là một trường hợp khá đặc biệt khác. Bé 18 tháng, ăn uống tốt, đầy đủ 4 nhóm thực phẩm song thường xuyên bị táo vì lý do…ham chơi. Thông thường, chị Thu, mẹ bé thường tập cho bé đi tiêu vào buổi sáng khi ngủ dậy song kể từ khi chuyển cơ quan, phải đi làm sớm hơn thì việc này chị giao cho giúp việc và tình trạng bé bị táo bón bắt đầu từ đó. Ở nhà, giúp việc thường xuyên bật phim hoạt hình cho bé xem buổi sáng để rảnh tay dọn dẹp. Sau đó bé lại được bế đi chơi nhà hàng xóm hoặc ở vườn hoa bên dưới khu nhà. Giờ giấc thay đổi, cộng thêm hay được đưa đi chơi bên ngoài nên dần dần bé thành thói quen nhịn…ị.
Một số bé ưa hoạt động, khám phá tới mức sẵn sàng nhịn “nhu cầu” để được chơi tiếp
(Ảnh: Parents)
Song nguyên nhân chỉ được phát hiện ra khi giúp việc bị ốm, chị Thu nghỉ phép ở nhà chăm con và nhận thấy nhiều lúc bé có dấu hiệu muốn đi xong lại cố kìm (ví dụ như bỗng chạy cuống lên hoặc mặt thừ ra một lúc rồi lại tiếp tục chơi tiếp mà không hề thấy bé đi tiêu). Để ý con vài ngày tiếp đó đều thấy tình trạng tương tự, thêm vào đó chị Thu nhận thấy sản phẩm của bé ban đầu rất cứng, to nhưng sau lại thuôn mềm nên chị mới nghĩ đến nguyên nhân bé cố tình nhịn đi vệ sinh. Phải mất gần 2 tuần sau đó chị Thu giúp bé từ bỏ dần dần thói quen này.
Sợ ngồi bô
Cũng là bé Hải Anh, chị Thu chia sẻ thêm, thời điểm tập cho bé đi vệ sinh chủ động (ngồi bô, ngồi toilet) không đúng cách đã khiến bé 5 ngày không đi tiêu. Bé Hải Anh đóng bỉm từ bé, tới 16 tháng chị Thu bắt đầu tập cho bé bỏ bỉm. Thời điểm đó, nếu thấy bé có dấu hiệu muốn đi tiêu chị thường bế bé vào toilet ngồi bô. Tuy nhiên đưa vào bô bé lại… nhịn không đi nữa. Tình trạng tiếp diễn như thế vài ngày, bé không những không đi vệ sinh mà mỗi lần thấy mẹ bế vào phòng tắm là khóc thét lên.
Bé sẵn sàng nhịn nếu cảm thấy không an toàn hoặc không thoải mái
Trên thực tế, việc này diễn ra khá phổ biến ở trẻ đang trong gia đoạn luyện đi vệ sinh chủ động. Nếu người lớn không khéo sẽ khiến bé có ác cảm với việc này dẫn đến nhịn luôn nhu cầu vệ sinh. Để khắc phục, mẹ nên tập từ từ và để ý quan sát con. Mẹ cần cho bé làm quen trước với khái niệm ngồi bô, tránh để bé có ấn tượng không tốt đẹp ngay từ đầu.