Những nguyên nhân khiến trẻ bị nôn

0
100

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nôn. Nếu bé vẫn khỏe mạnh và chỉ nôn một lượng nhỏ thức ăn thì nguyên nhân có thể là do bé đã ăn hoặc uống quá nhiều và nôn phần thức ăn thừa ra.Trẻ quá căng thẳng ở trường học hay tại nhà đôi khi cũng có thể nôn.

                         

 

Một số nguyên nhân bệnh lý: 

Viêm dạ dày ruột do virus (phổ biến nhất)

Ngộ độc thức ăn (thức ăn bị nhiễm khuẩn do bảo quản không tốt)

Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn (thường không quá nặng)

Ho, cảm, nhiễm trùng đường hô hấp (trẻ thường nôn sau cơn ho nặng)

Viêm tai, viêm ruột thừa 

Nhiễm trùng tiết niệu (nhiễm trùng bàng quang) 

Tắc ruột 

Lồng ruột 

Hẹp môn vị 

Nhận biết một số bệnh gây nôn   

Viêm dạ dày ruột và ngộ độc thức ăn

Rất khó phân biệt các bệnh viêm dạ dày ruột do virus/vi khuẩn với ngộ độc thức ăn vì khởi phát bệnh khá giống nhau: trẻ có thể nôn ồ ạt 5-30 phút/lần trong 1 – 12 giờ đầu. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu để phân biệt: 

– Trong nhiễm virus, bệnh khởi phát đột ngột, trẻ nôn, sốt cao và đau bụng. Tình trạng nôn có thể kéo dài 12 – 72 giờ (3 ngày). Tiêu chảy thường xuất hiện trong ngày đầu hoặc ngày thứ hai. 

– Trong ngộ độc thức ăn, bệnh khởi phát 2-12 giờ sau khi ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Trẻ thường không sốt. Nôn xuất hiện vài giờ sau khi ăn tại nhà hàng hay khi đi dã ngoại và thường không kéo dài quá 12 giờ. Có thể có hoặc không có tiêu chảy.

– Nếu trẻ sốt cao hoặc nôn kéo dài hơn 12 giờ thì ít khả năng là ngộ độc thực phẩm.

Nhiễm trùng tiết niệu

– Nếu trẻ sốt cao trong vài ngày và thỉnh thoảng có kèm theo nôn, đi tiểu thấy đau rát hoặc nước tiểu có mùi khó chịu thì cần cân nhắc nguyên nhân này.

Tắc ruột

Bệnh lý này xuất hiện khi ruột bị xoắn, tuy hiếm gặp nhưng bệnh rất nguy hiểm và cần được xử lý cấp cứu. Triệu chứng then chốt là đau bụng dữ dội. Nếu trẻ chỉ đau vừa hoặc không đau thì không nghĩ nhiều tới tắc ruột. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: 

– Đau bụng đột ngột.

– Nôn ra mật xanh vàng.

– Thường là nôn vọt (không bắt buộc).

– Đau bụng dữ dội liên tục hoặc từng cơn.

– Không đại tiện.

-Trẻ nhợt nhạt, vã mồi hôi.

-Tình trạng bệnh ngày càng tồi đi. 

Lồng ruột  

– Nôn ở trẻ dưới 4 tuổi có thể là biểu hiện của lồng ruột và cần được điều trị cấp cứu. 

– Bé thường co chân về phía bụng, người nhợt nhạt. 

– Có thể có máu trong phân, phân lỏng.

5. Hẹp phì đại môn vị 

Trong một số ít trường hợp, nếu bé 3-5 tuần tuổi đột nhiên bắt đầu nôn dữ dội nhiều lần thì cần cảnh giác với bệnh hẹp phì đại môn vị (môn vị là phần cuối của dạ dày, nơi nối với tá tràng). Những trẻ này lặp đi lặp lại chu kỳ bú – nôn – đói. Cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay. Hẹp phì đại môn vị cần được phẫu thuật điều trị, trẻ có thể phục hồi hoàn toàn.

PV

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.