Từ hình ảnh Mặt Trăng đang “teo” đi, đến phát hiện về hố đen mới, loại gen chống lây nhiễm HIV hiệu quả bất ngờ… Cùng nhìn lại những phát hiện lý thú nhất trong lĩnh vực khoa học trong năm nay.
“Mặt Trăng đang ngày càng teo lại”
Đó là kết luận của giới khoa học qua các ảnh cực nét mới nhất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Theo họ, nguyên nhân khiến vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất có dấu hiệu bị thu nhỏ là do trong lòng của nó đang bị lạnh đi. Hình ảnh trên được công bố hồi giữa tháng 8 trên tạp chí Science, cho thấy trên bề mặt của chị Hằng xuất hiện nhiều vết nhăn mà trước đó không có. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu thì gần đây chu vi của Mặt Trăng đã bị co lại chừng 100 m. Những hình ảnh siêu nét do các ông kính góc hẹp đặt trên vệ tinh thăm dò LRO đang làm đảo lộn quan niệm trước đây về Mặt Trăng.
Metaflex – siêu vật liệu tạo ra áo tàng hình
Một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Andrews của Scotland đã chế tạo thành công vật liệu để tạo các loại sợi vải có thể chuyển hướng ánh sáng, tiến đến sản xuất ra những chiếc áo tàng hình. Loại vật liệu đặc biệt này có tên là Metaflex, tương tác với ánh sáng có bước sóng khoảng 620 nano mét. Metaflex tạo nên sự đột phá so với những vật liệu có tính năng tương tự được tạo ra trước đó vì có thể sử dụng trên bề mặt mềm dẻo, có hình dạng linh hoạt. Đặc tính này khiến Metaflex có thể được sử dụng để tạo nên những chiếc áo tàng hình bằng cách xếp chồng nhiều lớp vật liệu này lên nhau.
Hố đen baby trong Dải Ngân Hà
Các nhà thiên văn học Mỹ hồi tháng 11 cho biết họ đã phát hiện ra một hố đen có khả năng nuốt vật vất chất mà họ gọi là “hố đen baby” trong Dải Ngân Hà. Họ tin rằng hố đen này được hình thành từ một vụ nổ khai tử số phận của một ngôi sao vào năm 1979. Sức mạnh khủng khiếp của vụ nổ này đủ lớn để hình thành nên một hố đen từ chính sự hủy diệt của ngôi sao. Các nhà khoa học đã quan sát thấy hiện tượng vật chất dạng khí phát sinh từ ngôi sao bị nổ tung đang bị hút vào một điểm có tính chất như thuyết hố đen đề cập.
“Cư dân” già nhất trong vũ trụ
Đó là Thiên hà được đặt tên là UDFy-38135539. Các nhà thiên văn học hồi tháng 10 loan báo đã phát hiện được vật thể lâu đời nhất trong vũ trụ: đó là thiên hà xa xôi cách hệ Mặt trời đến 13,1 tỉ năm. Điều này có nghĩa là ánh sáng của nó phải mất thời gian gần bằng tuổi đời của vũ trụ để đến được trái đất. Khi ánh sáng này bắt đầu cuộc hành trình dài hơi, vũ trụ chỉ mới 600 triệu tuổi, tức 4% tuổi hiện tại (Ánh sáng di chuyển ở vận tốc khoảng 300.000 km/giây, tức khoảng 10 nghìn tỉ km/năm).
Va chạm giữa các chùm proton trong LHC đạt mức độ năng lượng kỷ lục
Trong đường hầm gần Geneva, Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu đã cho các phân tử va chạm bên trong cỗ máy gia tốc trị giá 10 tỷ USD, được biết đến với tên gọi máy gia tốc hạt lớn LHC, nhằm tìm hiểu thêm về plasma đã hình thành nên vũ trụ sau vụ nổ Big Bang 13,7 tỷ năm trước. Hồi cuối tháng 3, hai chùm proton đã va chạm với mức độ năng lượng cao kỷ lục trong LHC. Đến tháng 11, bằng việc sử dụng máy gia tốc hạt nhân lớn nhất thế giới, các nhà khoa học đã tạo được một vụ nổ Big Bang nhỏ với nhiệt độ “nóng gấp hàng triệu lần” nhiệt độ ở tâm mặt trời. Các nhà khoa học cho rằng một trái bóng vật chất nhỏ đã phát nổ và nhanh chóng hình thành dạng “súp” nóng chảy rồi sau đó tự tái cấu trúc lại thành vũ trụ như ngày nay.
Phát hiện gen bảo vệ hiệu quả phụ nữ trước virut HIV
Các nhà khoa học hôm 20/7 đã xác nhận một loại gen có thể bảo vệ hữu hiệu phụ nữ trước khả năng lây nhiễm HIV từ bạn tình đã bị nhiễm. Theo nghiên cứu do Chương trình Nghiên cứu AIDS ở Nam Phi tiến hành, loại chất đặc quánh (gel) microbicidal chứa chất kháng virus có khả năng chống lại HIV hiệu quả và có thể giảm nguy cơ lây nhiễm tới 39% nếu phụ nữ dùng gen này trước hoặc trong vòng 12 giờ sau khi quan hệ tình dục.
Ánh sáng ban đêm làm tăng nguy cơ béo phì
Những người sống ở những thành phố có nhiều ánh sáng vào ban đêm thường có nguy cơ bị béo phì cao hơn những người dân sống ở vùng nông thôn – một nghiên cứu của trường đại học Ohio (Mỹ) hồi tháng 10 khẳng định. Các nhà khoa học tin tưởng rằng những nơi nhiều ánh sáng vào buổi tối sẽ khiến những người sống ở khu vực này có xu hướng thức muộn hơn và ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Thói quen này khiến lượng calo trong cơ thể bị dưa thừa dẫn tới béo phì.
Dải ngân hà khác thường
Qua kính viễn vọng của NASA, các nhà thiên văn học Mỹ đã phát hiện một dải Ngân hà khác thường, khai phá những chi tiết mới về “dải cát” nối hai dải Ngân hà trên bầu trời. Dải Ngân hà này có tỷ lệ ánh sáng hồng ngoại bất thường, khiến nó nổi bật lên như một chiếc đèn hiệu trong vũ trụ.