Có rất nhiều rủi ro ở các mức độ khác nhau mà bà mẹ tương lai gặp phải khi mang thai. Để có một thai kỳ khỏe mạnh và phòng ngừa những rủi ro đó dường như là một nhiệm vụ phức tạp. Trong suốt 9 tháng thai kỳ, thậm chí là trước khi mang thai, bạn phải chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để giảm thiểu những nguy hiểm cho em bé và mình. Vậy, những rủi ro lớn nhất khi mang thai là gì và bạn cần phải làm gì để ngăn ngừa các rủi ro đó? Chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề quan trọng này ngay trong bài viết dưới đây!
Những yếu tố gây ra rủi ro cao khi mang thai
1. Tuổi của mẹ
Tuổi tác của mẹ là một trong những yếu tố lớn nhất tác động đến thai kỳ. Nếu bạn mang thai trước 17 tuổi hoặc quá 35 tuổi, bạn có thể phải đối diện với nhiều rủi ro khi mang thai. Nếu bạn mang thai ở độ tuổi quá 40, mức độ thụ thai thành công sẽ khó hơn và nguy cơ sảy thai, dị tật thai nhi sẽ cao hơn.
2. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai cũng đem lại nhiều rủi ro khôn lường cho bà bầu. Đó là lý do tại sao các bác sĩ thường xuyên khuyên phụ nữ có thai tránh sử dụng thuốc tối đa và chỉ sử dụng thuốc trong các trường hợp có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp, các vấn đề về thở, bệnh về thận, bệnh tim và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Khi bạn đang cố thụ thai, việc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc cũng vô cùng quan trọng.
3. Mắc bệnh
Các vấn đề sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Để có một thai kỳ khỏe mạnh và giảm thiểu các rủi ro cho cả mẹ và em bé, bạn nên khám sức khỏe để kiểm tra các bệnh nguy hiểm nhất trong thai kỳ như sau:
a. Tiền sản giật
Bệnh này được cho là nguy hiểm với phụ nữ có thai vì nó có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi. May mắn thay, tiền sản giật là một bệnh có thể được đẩy lùi nếu phát hiện sớm và chữa trị đúng cách.
b. Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ thực chất là một bệnh tiểu đường phổ thông phát triển trong giai đoạn phụ nữ mang thai. Đây là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng có thể phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2 cho cả em bé trong bụng.
c. Đa nang buồng trứng (PCOS)
Hội chứng đa nang buồng trứng khiến phụ nữ khó khăn trong việc mang thai và nuôi dưỡng thai nhi đến tháng cuối cùng. Phụ nữ mắc hội chứng này thường khó thụ thai và khi mang thai có nguy cơ bị sảy thai cao. Hầu hết các trường hợp sảy thai diễn ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Bên cạnh đó, phụ nữ mắc đa nang buồng trứng cũng thường đi kèm với các bệnh liên quan khác như tiền sản giật và tiểu đường, dẫn đến sinh non.
d. Các bệnh về thận
Nếu bạn có các vấn đề về thận, bạn có nguy cơ khó mang thai và giữ thai an toàn cho đến khi thai đủ tháng. Trong hầu hết các trường hợp, những phụ nữ có vấn đề về thận khi đang mang thai rất dễ bị sảy thai và buộc phải dùng nhiều biện pháp điều trị bổ sung, thay đổi chế độ dinh dưỡng và theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Nguyễn Mai – Nguồn: MJ