Khi mang thai bạn được nghe rất nhiều những lời đồn thổi xung quanh chuyện bầu bí. Tuy nhiên chúng lại không hề đúng chút nào.
1. Hình dáng bụng bầu tiết lộ giới tính thai nhi
Chúng ta vẫn thường quan niệm bụng tròn là sinh con gái, bụng nhọn là sinh con trai. Tuy nhiên thực tế hình dáng bụng bầu không liên quan đến giới tính thai nhi. Mỗi mẹ khi mang thai có hình dáng bụng bầu khác nhau, phụ thuộc vào các chỉ số cơ thể và kích thước hông, xương chậu.
2. Một số loại thực phẩm có liên quan đến nước da của em bé
Khi mang thai, mẹ bầu thường được mọi người khuyên nên uống nhiều nước dừa tươi, ăn nhiều trứng gà để con sinh ra da sẽ trắng hồng, không nên uống thuốc bổ sung sắt sẽ khiến da con xuất hiện những đốm đen. Đây lại là một nhầm lẫn tai hại nữa. Uống nước dừa tươi hay ăn trứng nhiều không liên quan đến sắc tố da của bé, thậm chí ăn nhiều còn ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con. Trong khi đó ngưng bổ sung sắt thai kỳ sẽ gây thiếu máu trầm trọng, làm chậm sự phát triển của thai nhi.
3. Nên ăn cho hai người
Mang thai nghĩa là bạn phải ăn cho hai người – đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. “Ăn cho hai người” ở đây hàm ý mẹ bầu ăn uống đủ chất, có chế độ bổ sung dinh dưỡng phù hợp chứ không phải ăn càng nhiều càng tốt. Khi mẹ ăn quá nhiều sẽ dễ tăng cân nhanh, mắc tiểu đường thai kỳ hoặc gặp khó khăn khi chuyển dạ. Hơn nữa mẹ ăn nhiều con cũng không hấp thu hết được chất dinh dưỡng.
4. Ăn đồ cay sẽ kích thích chuyển dạ
Ăn đồ cay chỉ khiến bạn ợ nóng, khó chịu hơn chứ không hề có tác dụng kích thích chuyển dạ. Một số mẹ bầu đến ngày dự sinh mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ thường nóng lòng muốn gặp con, và một số mẹ áp dụng các phương pháp dân gian truyền miệng này để mong cơn co xuất hiện. Tuy nhiên kết quả chỉ là mẹ cảm thấy khó chịu hơn mà thôi.
5. Mẹ ợ nóng nhiều nghĩa là thai nhi mọc nhiều tóc
Tóc trẻ sơ sinh nhiều hay ít phụ thuộc chủ yếu vào gen di truyền chứ không phải do mẹ ợ nóng khi mang thai.
Ợ nóng là tình trạng axit trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Thời gian đầu thai kỳ, ợ nóng chủ yếu do cơ vòng ở cổ dạ dày bị giãn do ảnh hưởng của progesterone, làm cho dịch vị của dạ dày tràn lên thực quản tạo cảm giác nóng. Thời gian sau thai kỳ, ợ nóng do thai nhi lớn dần ép vào dạ dày, đẩy thức ăn từ dạ dày trở lại thực quản.
6. Mang thai không được quan hệ tình dục
Nhiều người lầm tưởng khi mang thai phải kiêng quan hệ tình dục, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Tuy nhiên mẹ bầu vẫn có thể quan hệ nếu có thai kỳ khỏe mạnh. Khi quan hệ chú ý chọn tư thế phù hợp, quan hệ nhẹ nhàng, không gây áp lực lên vùng bụng.
7. Nhật thực, nguyệt thực liên quan đến khuyết tật ở trẻ sơ sinh
Sứt môi hở hàm ếch là dị tật ở trẻ sơ sinh, có liên quan đến gen, chứ không hề liên quan đến việc mẹ bầu nhìn nhật thực hay nguyệt thực.
8. Gây tê tủy sống khiến mẹ bầu đau lưng
Gần như 100% mẹ bầu tin rằng phương pháp gây tê tủy sống là nguyên nhân gây đau lưng sau sinh. Tuy nhiên đây chỉ là nguyên nhân phụ. Nguyên nhân chính là khi mang thai, bụng mẹ bầu càng ngày càng to và nặng, khiến cột sống bị cong quá mức dẫn đến đau lưng.
9. Uống nước tía tô để sinh nhanh và dễ dàng
Nhiều mẹ áp dụng mẹo dân gian này với mong muốn sinh nhanh và dễ dàng hơn. Đây chỉ là mẹo truyền miệng chứ không hề có cơ sở khoa học. Thực tế để sinh thường dễ dàng, mẹ không nên tăng cân quá nhiều, duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp và tập thể dục thường xuyên.
10. Ăn đu đủ sẽ gây sảy thai
Mọi người thường truyền tai nhau rằng ăn đu đủ sẽ gây sảy thai, bởi trong đu đủ có chất latex sẽ gây nên các cơn co tử cung. Tuy nhiên điều này chỉ thực sự đúng khi mẹ bầu ăn một lượng khổng lồ. Sảy thai do nhiều nguyên nhân như bất thường nhiễm sắc thể, mẹ bầu mắc một số bệnh lý chứ không liên quan đến việc ăn uống trong thai kỳ.
Việt Hà – Nguồn: MJ
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.