Giới chức Indonesia cho biết hơn 25.000 người dân nước này đã phải sơ tán sau một loạt đợt phun trào của núi lửa Sinabung trong đêm 11/1.
>>> Núi lửa Indonesia lại cựa mình
Những cột tro bụi cùng với khí nóng cao bốc cao đến 5km và dòng nham thạch phun trào đã đe dọa môi trường xung quanh và cuộc sống của những người dân khu vực lân cận.
Người phát ngôn của Cơ quan Kiểm soát và giảm nhẹ thiên tai quốc gia của Indonesia cho biết cột tro bụi mang khí nóng đã lan xa khoảng 4,5km về phía Đông Nam và 1km về phía Đông khiến toàn bộ thủ phủ thành phố Medan bị bao phủ trong khói đen.
Núi lửa Sinabung ở Karo, thuộc Bắc Sumatra của Indonesia tiếp tục hoạt động mạnh, phun những cột tro bụi lên không trung. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tro bụi, khí nóng và dòng nham thạch cũng gây ảnh hưởng đến con sông Berastepu và một số con sông khác nằm ở phía Đông Nam và Nam của núi lửa vì hiện những dòng nham thạch đã khiến nước sông dâng đầy.
Nhà chức trách lo ngại việc ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng trong trường hợp có mưa lớn, đồng thời khuyến cáo người dân nên đi sơ tán ra ngoài bán kính từ 5-7km và không nên đến gần những con sông nói trên.
Những cột khói cùng với tro bụi của núi lửa đã tạo nên một lớp tro dầy 10cm bao phủ nhiều ngôi làng lân cận, phá hủy hàng nghìn héc-ta cây trồng và nhiều cánh đồng rau cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
Một vài ngôi làng đã bị cô lập do tro bụi và dung nham bao phủ. Thành phố Medan là nơi phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ tro bụi, người dân sống trong làng được phát mặt nạ phòng độc để tránh nguy cơ ô nhiễm không khí.
Núi lửa Sinabung nằm ở quận Karo, của Bắc Sumatra, cao 2.457m, đã hoạt động trở lại kể từ tháng 9 vừa qua sau khi ngủ yên 400 năm. Đến tháng 11 và 12, núi lửa này đột nhiên phun trào mạnh, buộc các nhà chức trách phải mở rộng khu vực sơ tán từ trong vòng bán kính 3km lên 5km.
Theo TTXVN/Vietnam+