Nước trái đất không đến từ sao chổi

Nước trái đất không đến từ sao chổi

Các dữ liệu từ tàu vũ trụ Rosetta và robot Philae cho thấy sao chổi không đem nước tới trái đất trong quá khứ như giới khoa học xác định trước đây.

Theo tạp chí Science, các chuyên gia Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã nghiên cứu dữ liệu do tàu Rosetta và robot Philae thu thập được từ sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko và đánh giá nước trong sao chổi khác với nước trên trái đất.

Nước trái đất không đến từ sao chổi
Robot Philae trên bề mặt sao chổi 67P – (Ảnh: Reuters)

Nước trên trái đất có đặc điểm riêng biệt. Nước trên trái đất được cấu tạo từ nguyên tử hydrogen và oxy, nhưng thỉnh thoảng một nguyên tử hydrogen được thay thế bằng nguyên tử deuterium. Trung bình cứ 10.000 phân tử nước thì có ba nguyên tử deuterium.

Nhóm nghiên cứu ESA cho biết nước có mặt trên sao chổi 67P nặng hơn nước trên trái đất gấp ba lần. Do đó khó có khả năng sao chổi đã đem lại nước tới trái đất để tạo thành sự sống trên hành tinh xanh hàng tỉ năm trước đây.

Giáo sư Kathrin Altwegg thuộc nhóm nghiên cứu Rosetta cho biết sao chổi 67P đến từ vành đai Kuiper trong hệ mặt trời. Các kết quả mới công bố cho thấy nước trên trái đất không thể đến từ “bể chứa” của vành đai Kuiper.

Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng thiên thạch mới là phương tiện mang nước tới trái đất. Thiên thạch trong hệ mặt trời được hình thành gần trái đất hơn là các sao chổi, do đó có khả năng đâm vào trái đất cao hơn và mang theo nước xuống mặt đất.

Kể từ tháng 8 vừa qua, tàu Rosetta đã tiếp cận sao chổi 67P. Hiện robot Philae đã hết pin và đang “ngủ đông”, nhưng vẫn kịp thu thập một khối lượng dữ liệu lớn.

Tàu Rosetta vẫn đang tiếp tục quan sát sao chổi 67P để thu thập dữ liệu.

 

Theo Tuổi Trẻ