4h sáng 21/12, chúng tôi bám theo chiếc xe 16 chỗ từ thành phố Phan Thiết hướng về Quốc lộ 1. Khi đến thị tứ Ngã Hai, xe rẽ vào tỉnh lộ 707, vọt thẳng về huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đây là chuyến xe mang bệnh nhân từ Bình Dương lên chỗ “thần y” chuyên “chữa bệnh mần phước” .
Người khỏe mà phán mắc đủ thứ bệnh
Đến thôn Dân Thuận, xã Hàm Thạnh, chỉ cần nói tên “thầy”, ai cũng biết. “Ủa mà tụi tui ở đây có ai tới ổng chữa bệnh đâu, toàn mấy người ở xa kéo vô, cả Sài Gòn cũng mò ra”, một chị bán cà phê cười nói sau khi chỉ đường.
Nhà “thầy” Diệp vừa xây khá to. Chiếc xe du lịch chúng tôi bám theo đỗ xịch trước nhà. Khoảng 5h30 sáng “thầy” bắt đầu khám cho bệnh nhân đầu tiên, là những người trên chuyến xe này.
Mọi người được đưa vào phía sau phòng khách qua cửa hông. Nơi đây trải chiếu để ông Diệp chữa bệnh và bệnh nhân ngồi chờ. “Thần y” xuất hiện trong trang phục đúng kiểu dân chơi, quần bò, áo thun đen in hình tài tử Hàn Quốc, miệng phì phèo thuốc lá, trên cổ đeo một sợi “dây xích” vàng.
Hàng chục bệnh nhân lần lượt được thầy áp dụng đúng một “trò” cho dù mỗi người mỗi bệnh. Ai ông cũng day, ấn, xoa, nắn, bóp khắp nơi trên cơ thể. Vừa xoa nắn, “thầy” Diệp vừa với tay chộp lon bia để sẵn uống vài hơi.
Khám cho chúng tôi (khỏe mạnh, bình thường), mới liếc sơ qua, ông Diệp phán ngay “nhìn là biết bệnh nặng rồi”. Sờ đến đâu, “thần y” chẩn bệnh đến đó. Đưa tay qua hai vai, ông khẳng định rối loạn tiền đình. “Chết chưa, liệt dây thần kinh số 7 rồi con, méo miệng rồi nè”, ông phán khi bóp, nắn quai hàm chúng tôi. Ông Diệp lại đưa tay nắn ngực rồi cho biết chúng tôi “sắp tiêu vì hở van tim”. Ông còn bảo rằng chúng tôi bị teo cơ, vẹo cột sống.
Không chỉ có Bình Dương, hằng ngày còn nhiều đoàn bệnh nhân từ các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp… được đưa đến đây.
Ai muốn theo đoàn khám bệnh phải có người đã từng đi “giới thiệu” và đăng ký trước với người phụ nữ tên Ngọc, sống như “người giúp việc” trong nhà “thầy”, tổ chức đưa đón, thu tiền người bệnh. Mỗi người đóng 450 nghìn đồng cho một chuyến đi chữa bệnh. Theo giải thích của bà Ngọc, chi phí này gồm 250 nghìn đồng tiền xe, 100 nghìn đồng phòng trọ. Còn lại 100 nghìn đồng để bồi dưỡng cho “thầy” Diệp, dù bọn họ luôn nói “thầy” chữa bệnh từ thiện, miễn phí.
Trong ngày 21/12, bà Ngọc đã đưa về được khoảng 48 bệnh nhân trên 3 chuyến xe. Con trai bà Ngọc chính là tài xế dẫn đầu đoàn xe. Bà Ngọc cho biết, chỉ riêng bà đã có thể đưa về trung bình 30 bệnh nhân/ngày. Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày có 3-5 chuyến xe (từ 16 chỗ trở lên) đưa bệnh nhân đến khám bệnh tại nhà ông Diệp.
Yêu cầu dừng hành nghề
Đã có người từng “hợp tác” với đường dây này làm đơn tố cáo gửi Sở Y tế tỉnh Bình Thuận. Ông Nguyễn Công Thịnh (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu, trước là tài xế chở bệnh nhân tới cho ông Diệp) viết đơn tố cáo rằng, ngoài người đến chữa mất tiền, không hết bệnh, khoảng tháng 5/2014, ông Diệp bấm huyệt khiến một người tên Đường tử vong tại chỗ. Công an xã Hàm Thạnh đã lập biên bản về vụ việc này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Tám – Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, “thần y” tên thật là Châu Văn Diệp (48 tuổi, ngụ xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam) trước đây nấu rượu, nuôi heo, không có bằng cấp nào về y học cổ truyền. Khoảng 3-4 năm nay bỗng dưng rộ lên chuyện ông này có tài chữa bệnh. Hoạt động khám chữa bệnh cũng hoàn toàn trái phép, không có bất cứ giấy phép nào, không bảng hiệu, không có sổ ghi bệnh theo quy định. Phương pháp điều trị của ông cũng chưa có nơi nào công nhận, cấp phép. Sở Y tế tỉnh từng phạt cảnh cáo và ông này đã cam kết không khám chữa bệnh nữa. Về vụ việc chết người tại nhà ông Diệp, sau khi điều tra, kết luận nguyên nhân gây tử vong là do người bệnh có bệnh lý tim mạch từ trước.
Trong ngày 21/12, Thanh tra Sở Y tế tỉnh kiểm tra đột xuất nhà ông Diệp, ghi nhận hơn 20 bệnh nhân từ TPHCM, Bình Dương… có mặt tại đây. Dù bị bắt quả tang hành nghề trái phép, ông Diệp cho rằng người bệnh tự đến năn nỉ ông chữa bệnh. Ông cho rằng mình không sai vì chữa bệnh từ thiện, không
lấy tiền.
Thanh tra đã lập biên bản, yêu cầu ông Diệp ngừng ngay việc khám chữa bệnh, yêu cầu ông Diệp tới làm việc tại Sở Y tế tỉnh Bình Thuận vào ngày 25/12, sau đó sẽ có hướng xử lý.
Bà Nguyễn Thị Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hàm Thạnh xác nhận, chính quyền biết rõ hoạt động trái phép của ông Diệp từ lâu. Thế nhưng, hiện “chưa có cơ sở để xử lý”. Công an xã từng cấm ông Diệp lưu trú bệnh nhân tại nhà, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Nguồn: Theo Tienphong
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.