Theo thống kê chính thức năm 2004, thì cứ trên 100.000 người dân ở miền Trung có hơn 1.434 người mắc các bệnh tả, thương hàn, lỵ trực trùng, lỵ Amip, hội chứng lỵ và tiêu chảy.
Rác thải ngặp trên sông sau cơn mưa (Ảnh: monre.gov.vn) |
Những con số điều tra chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt nông thôn của viện Pasteur Nha Trang và các Trung tâm y tế dự phòng thực hiện năm 2005-2006 tiếp tục khẳng định bệnh do ô nhiễm môi trường từ phân. Trong số 739 nguồn nước thuộc 4 tỉnh khu vực miền Trung được điều tra ngẫu nhiên nhiều bước khi đứng riêng lẻ thì các chỉ tiêu về pH, Clorua, sắt, Amoni, Nitrit, Nitrat, độ oxy hóa đều có từ 82,4 tới 99,7% số mẫu đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, riêng chỉ tiêu Coliform chịu nhiệt (chỉ danh ô nhiễm phân) chỉ có 5% số mẫu đạt tiêu chuẩn.
Nhưng khi tổng hợp lại thì chỉ có 60% số mẫu đạt tiêu chuẩn hóa lý, 5 % mẫu đạt tiêu chuẩn vi sinh dẫn đến chỉ có 3,2 % số mẫu đạt tiêu chuẩn cả hóa lý và vi sinh. Các yếu tố nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước bắt nguồn từ thực trạng các gia đình nông thôn đã làm nhà tiêu, chuồng gia súc, hố rác quá gần nguồn nước mặt; không có phương tiện ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước như nền, thành giếng, phương tiện lấy nước, chứa nước không hợp vệ sinh.
Theo các kết quả xét nghiệm nước máy gần đây nhất do các Trung tâm y tế dự phòng tiến hành trong năm 2006, thì chỉ có 18% nguồn nước không bị nguy cơ ô nhiễm; 21% nguồn nước bị một nguy cơ và có 8% nguồn nước bị 7 nguy cơ, 5% nguồn nước bị 8 nguy cơ và 2% nguồn nước bị tới 9 nguy cơ ô nhiễm. Sự ô nhiễm do phân thường xuyên, đòi hỏi các trạm xử lý nước cũng phải liên tục khử trùng nước bằng clo. Nhiều nhà máy nước không thực hiện được yêu cầu này, nên có 19% mẫu nước máy không đạt tiêu chuẩn vi sinh vật và 48 % mẫu không đạt tiêu chuẩn lý hóa; tổng hợp có tới 55% mẫu nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước uống của Bộ Y tế.
Những con sông, nguồn cung cấp nước phổ biến cho các nhà máy nước của thành phố luôn phải tiếp nhận các chất thải sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư. Điển hình là nước sông Cái sau khi chảy qua thành phố Nha Trang, tất cả các chỉ số cặn lơ lửng, B0D, COD, NH4, dầu mỡ, Coliform, đều bị tăng lên từ 2,2 tới 62,8 lần (Coliform).
Mặc dù những chất hữu cơ nguy hại từ các nguồn thải khác nhau đang xâm nhập vào nguồn nước mặt, được đề cập trong Hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới về chất lượng nước uống và Bộ Y tế đã đưa ra giá trị giới hạn trong tiêu chuẩn chất lượng nước uống, có quy định kiểm tra cụ thể. Nhưng việc phân tích những chỉ tiêu này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, cần thiết bị đắt tiền và kỹ năng thành thạo, mất nhiều thời gian, cho nên chưa có nguồn nước uống nào, kể cả nước máy ở những đô thị lớn, được phân tích đầy đủ những chất hữu cơ nguy hại có trong nguồn nước ở đó.
Đây là điều rất khó “xử phạt” theo Luật Bảo vệ môi trường. Người dân miền Trung cho đến nay chưa bắt buộc phải xây dựng các cơ sở “xả thải” theo một tiêu chuẩn nào đó. Còn việc kiểm tra giám sát chất lượng nước thuộc các cơ quan chuyên môn và cơ sở quản lý khai thác kinh doanh nước, nhưng một khi họ chưa được trao đủ trách nhiệm, chưa được hạch toán đủ giá thành, thì khó có thể yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước sạch do họ cung cấp. Như vậy mối nguy cơ từ nước uống vẫn sẽ còn kéo dài.
Nguyễn Hải (Quảng Bình)
Theo Bộ Tài nguyên & môi trường Việt Nam