Mất ăn mất ngủ với ruồi vàng
Ông Cúc ngụ xã Minh Lập, H.Chơn Thành, Bình Phước. Nhà trồng hơn 3,5 ha cây ăn trái nhưng cứ đến khi mùa đơm hoa kết trái là ông Mai Văn Cúc như ngồi trên đống lửa vì ruồi vàng tấn công khiến trái èo uột, thối rụng… Mỗi năm, ông đầu tư hơn 50 triệu đồng mua bao lưới về bọc trái nhằm đối phó với ruồi vàng nhưng vẫn không hiệu quả, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
“Khi ruồi vàng chích vào trái cây, sinh trứng và nở ra ấu trùng sống bên trong khiến trái thối, rụng. Ruồi vàng sinh sản rất nhanh, nhất là vào mùa mưa. Mỗi con có tuổi đời khoảng 2 tháng, đẻ từ 30- 40 trứng/ngày. Trên thị trường có bán một số thuốc diệt ruồi vàng nhưng hiệu quả mang lại không cao”, ông Cúc cho hay.
Bực tức vì ruồi vàng gây hại, năm 2013, ông Cúc bắt đầu tìm cách diệt. Hàng tháng trời, ông ra vườn ngồi theo dõi đặc tính của ruồi vàng. Nghe ai nói chuyện gì liên quan về ruồi vàng, ông chăm chú lắng nghe và ghi chép lại cẩn thận.
Sau hơn 2 năm tìm hiểu, ông Cúc bắt đầu nghiên cứu thuốc diệt ruồi vàng từ các loại hoa, cỏ và hạt cây tự nhiên như: hạt mã tiền, hạt cây bình bác, cây hương nhu…
Ông Cúc lý giải: “Hạt mã tiền khi ruồi vàng ăn vào sẽ bị ngộ độc mà chết, còn sử dụng cây hương nhu vì có mùi giống ruồi cái dụ ruồi đực tới. Ngoài ra, tôi còn dùng nếp than, chuối chín để lên men nên để thuốc cả tháng ngoài vườn vẫn còn tác dụng.”
Cầm khay thuốc lên ngửi rồi vô tư nếm thử, ông Cúc chia sẻ: “Thuốc tôi pha chế có mùi nho rất thơm nên dụ được rất nhiều ruồi vàng. Khi ăn mồi bị say thuốc sẽ rơi xuống đất mà chết. Thuốc chỉ dẫn dụ và diệt ruồi vàng, còn côn trùng có lợi như ong mật thì không bị độc. Ngoài ra, do được làm bằng các loại cỏ cây tự nhiên nên các loại gà, vịt ăn phải ruồi vàng đều không bị ảnh hưởng. Giá thành khoảng 20.000 đồng/khay dùng được cả tháng”. Thuốc được ông Cúc chế khá đậm đặc nên khi bốc hơi cạn thì đổ thêm nước lạnh vào khuấy lên thuốc lại có tác dụng như cũ.
Không còn ruồi để bắt
Theo ông Cúc, mùi thơm của thuốc lan tỏa được xa 100-120m nên dụ được rất nhiều ruồi vàng. Một héc ta chỉ cần đặt 4 khay thuốc ở những gốc vườn là phát huy tác dụng. “Ngày đầu đặt bẫy, tôi tiêu diệt được hàng vốc ruồi vàng, đến các ngày tiếp theo thì ít dần, thậm chí đến nay vườn nhà tôi không còn ruồi vàng để bắt nữa”, ông Cúc hồ hởi khoe.
Chế thuốc thành công, ông Cúc mang cho người dân trong vùng dùng thử. “Trước đây tôi mua thuốc diệt ruồi vàng về dùng nhưng không hiệu quả. Sau khi ông Cúc cho tôi thuốc sử dụng, hiện vườn nhà tôi hết sạch ruồi vàng”, ông Nguyễn Xuân Nhung (52 tuổi, ngụ xã Minh Lập) nói.
Còn ông Nguyễn Tấn Lực, Phó chủ tịch hội nông dân xã Minh Lập nhận xét: “Nhiều bà con sử dụng thuốc diệt ruồi của ông Cúc đều nhận xét chế phẩm này rất hiệu quả. Vì thế, tôi mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ phát triển, nhân rộng loại thuốc này để ai cũng được sử dụng, hạn chế được loại ruồi vàng gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp”.
Loại thuốc diệt ruồi do ông Mai Văn Cúc sáng chế đã được giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ 3 (2014 – 2015). Theo ông Cúc, do hạn chế về điều kiện kinh tế nên chưa thể đầu tư máy móc, nhà xưởng để sản xuất đại trà được. “Có một số người ở miền Tây lên, thấy thuốc diệt ruồi vàng hiệu quả nên hỏi mua bản quyền với giá 70 triệu đồng nhưng tôi chưa đồng ý. Tôi mong nhà nước có thể hỗ trợ để sản xuất đại trà loại thuốc này, cung cấp ra thị trường phục vụ nông dân”, ông Cúc nói.
Dù học chưa hết lớp 4 nhưng với niềm đam mê, ông Cúc đã chế tạo ra rất nhiều sản phẩm có ứng dụng cao trong đời sống.
Năm 2010, thấy người dân than vãn bệnh nấm trắng trên cây cao su nhưng không có máy móc phun xịt thuốc tới ngọn. Ông Cúc mày mò nghiên cứu gần 6 tháng và sáng chế ra máy phun thuốc tầm cao cho cây cao su và các loại cây công nghiệp. Năm 2013, ông Cúc nghiên cứu chế tạo bẫy bắt ruồi đen và bẫy lồng bắt đến 10 con chuột/lần… Những sản phẩm do ông Cúc sáng tạo đều đạt giải cao trong các Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Bình Phước.
Nguồn: Theo Thanh Niên
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.