Nhờ camera giấu kín, các nhà khoa học đã ghi lại được vài hình ảnh về loài động vật đặc biệt này.
Mới đây, tạp chí khoa học PLos ONE đã công bố những hình ảnh quý giá ghi lại sự xuất hiện hiếm hoi của loài beo (báo) Borneo ở rừng rậm nhiệt đới thuộc hòn đảo lớn thứ 3 trên thế giới – Borneo (Malaysia).
Beo Borneo có tên khoa học Pardofelis badia hay còn được gọi là bay cat (beo hồng). Chúng là loài động vật họ mèo bí ẩn và ít được biết đến nhất cho đến nay. Với lông màu hạt dẻ sáng, đuôi có sọc trắng, nhiều răng, Beo Borneo được liệt vào danh sách một trong những loài động vật hoang dã họ mèo tuyệt đẹp.
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên chụp ảnh được loài beo này vào năm 2003, kể từ đó tới nay, số lượng hình ảnh về chúng chỉ vỏn vẹn trên đầu ngón tay. Beo Borneo phải đối mặt với nguy cơ suy giảm cá thể nghiêm trọng khi ước tính cả loài chỉ có khoảng 2.500 con (năm 2007). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm cá thể loài là do chúng bị mất dần môi trường sống.
Chính những chiếc camera giấu kín được đặt ngẫu nhiên trong rừng đã giúp các nhà khoa học ghi lại hình ảnh quý giá này
Hình ảnh mới thu thập được về beo Borneo đã cho thấy hiện nay có ít nhất 5 loài mèo quý hiếm đang sinh sống trên đảo Borneo. Bốn loài khác là báo gấm Borneo (tên khoa học Neofelis diardi), mèo báo (tên khoa học Prionailurus bengalensis), mèo đầu phẳng (tên khoa học Prionailurus planiceps) và mèo gấm (tên khoa học Pardofelis marmorata).
Ông Robert Ewers từ ĐH Hoàng gia London, đồng thời là người phụ trách dự án bảo tồn rừng rậm nhiệt đới Borneo cho biết: “Chúng tối rất ngạc nhiên khi chứng kiến số lượng beo Borneo có trên hòn đảo này. Rừng rậm trên đảo Borneo đã bị khai thác gỗ cho mục đích thương mại quá đà, mà theo lý thuyết, những loài động vật hoang dã như beo Borneo sẽ không thể tồn tại ở môi trường bị xâm lấn bởi con người như vậy. Tuy nhiên, những hình ảnh này đã khẳng định, ngay cả những loài ăn thịt lớn như beo hồng cũng có khả năng sinh tồn ở môi trường rừng bị thâm nhập”.
Tuy nhiên, đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về nạn khai thác gỗ và dầu bừa bãi ở khu rừng rậm nhiệt đới như Borneo. Loài beo hồng vẫn đang gồng mình nỗ lực sinh tồn, tuy nhiên sự tồn tại của chúng cần phụ thuộc nhiều vào tác động từ phía con người.
Theo Trí Thức Trẻ