Phát hiện ra hai địa điểm có tiềm năng nuôi dưỡng sự sống trên Sao Hỏa

Phát hiện ra hai địa điểm có tiềm năng nuôi dưỡng sự sống trên Sao Hỏa

Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích xong một địa điểm lạ trên bề mặt Sao Hỏa và thú vị hơn, họ nói rằng đây là địa điểm hoàn hảo để kiếm tìm sự sống ngoài Trái Đất. Nơi đây hoàn toàn có khả năng có cả 3 thành tố tạo nên sự sống, gồm có nước, nhiệt lượng và dinh dưỡng.

Cấu trúc hình phễu trên Sao Hỏa này gần giống với những lòng chảo băng cổ đại ta có trên Trái Đất, những lòng chảo được tạo nên khi núi lửa phun trào dưới nền băng dày tại Iceland và Greenland. Nếu như quá trình phun trào ấy đã diễn ra tương tự trên Sao Hỏa, nó có thể để lại một môi trường ấm nóng và tràn đầy dinh dưỡng.

“Chúng tôi hướng sự chú ý và tập trung nghiên cứu vào khu vực này là vì nơi đây có thể chứa đựng những thành tố chủ chốt của sự sống là nước, hơi ấm và dinh dưỡng”, trưởng ban nghiên cứu đến từ Đai học Texas, anh Joseph Levy nói.

Phát hiện ra hai địa điểm có tiềm năng nuôi dưỡng sự sống trên Sao Hỏa
Khu vực đồng bằng Hellas trên Hành tinh Đỏ.

Địa hình hình phễu này nằm tại một miệng núi lửa ngoài rìa khu vực Đồng bằng Hellas, bán cầu nam của Sao Hỏa.

Bản thân lòng chảo Đồng bằng Hellas đã là một hố va chạm khổng lồ rồi rồi, thực tế nó là hố va chạm lớn nhất nhìn thấy được trong Hệ Mặt Trời. Nằm bên trong hố này là nhiều hố nhỏ hơn, điều đó khiến các nhà khoa học dự đoán rằng nơi đây là một cấu trúc địa hình cực kì cổ xưa của Hành Tinh Đỏ.

Lần đầu tiên nhà nghiên cứu Levy phát hiện ra cấu trúc hình phễu này là vào năm 2009, lúc đó là khi anh nghiên cứu một vết nứt kì lạ trong một tấm ảnh gửi về từ Vệ tinh Do thám Sao Hỏa của NASA.

Sau đó anh tìm thấy một cấu trúc tương tự tại Hố Galaxias, gần một lòng chảo lớn có tên Đồng bằng Utopia.

“Tôi chú ý tới những địa hình này bởi lẽ chúng có hình dáng rất kì lạ”, anh Levy nói. “Đây là một cấu trúc địa chất rất giống với nhiều nơi trên Trái Đất”.

Cho tới năm ngoái, anh Levy mới có đủ dữ liệu để phân tích cụ thể những cấu trúc hình phễu này và nhờ công nghệ tạo hình 3D từ hình ảnh 2D, anh và đồng nghiệp đã có thể vẽ ra chính xác hình dáng của phễu này như thế nào.

Phát hiện ra hai địa điểm có tiềm năng nuôi dưỡng sự sống trên Sao Hỏa
Họ phát hiện được hai địa điểm tiềm năng như vậy.

“Những hình ảnh này làm chúng tôi rất ngạc nhiên, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc có thể đã xảy ra việc tan băng ở điểm sâu nhất của khu vực này, khiến cho vật chất bên ngoài có thể tràn vào trong”, anh Levy nói.

Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ dựng lại một số cấu trúc quá khứ có thể có của khu vực hình phễu này, tìm ra địa hình khả thi nhất để tạo nên nó như ngày hôm nay.

Không giống các hố va chạm khác, khu vực này cho thấy nó đã từng có hoạt động của núi lửa. Nhiệt độ cao sẽ làm tan lớp băng trên bề mặt, đẩy chúng sang hai bên để tạo nên địa hình hình phễu như vậy. Đó cũng là điều xảy ra nhiều trên Trá Đất của chúng ta.

Phát hiện ra hai địa điểm có tiềm năng nuôi dưỡng sự sống trên Sao Hỏa
Lòng chảo băng khổng lồ tại Iceland.

Các nhà khoa học ước lượng rằng số lượng magma phải cực lớn để có thể làm tan băng và tạo ra hố lớn như thế, con số ước tính khoảng 100.000 mét khối magma.

Băng tan tạo ra nước, magma để lại hơi ấm và dinh dưỡng; vậy là đủ ba thành tố cho sự sống sinh trưởng. Đó chính là lý do vì sao họ quan tâm tới khu vực này đến vậy.

Kế hoạch gửi thêm tàu thăm dò bề mặt Sao Hỏa vào năm 2020 của NASA sẽ có thêm một khu vực nghiên cứu khả thi nữa. “Nơi đây rất giống với những lòng chảo băng khổng lồ trên Trái Đất, vì thế nó sẽ là một mục tiêu nghiên cứu đầy tiềm năng”, chuyên gia về núi lửa Gro Pedersen, một người không thuộc nhóm nghiên cứu, nói trong buổi họp báo công bố kết quả nghiên cứu.

Trong vòng vài năm tới, 4 năm nữa là tới sứ mệnh thăm dò bề mặt Sao Hỏa tiếp theo của NASA, rất có thể ta sẽ biết chắc được rằng con người không phải là thực thể sống duy nhất trong vũ trụ này.

 

Theo thoidai