Hai vụ nhầm con mới được tiết lộ trong những ngày qua đang khiến dư luận không khỏi lo ngại về cách làm việc, chăm sóc các bé mới sinh tại nhà hộ sinh hay các bệnh viện phụ sản. Trên nhiều fanpage, diễn đàn, mọi người chia sẻ không ít câu chuyện về bản thân hay bạn bè, họ hàng cũng suýt bị trao nhầm con. Có nhiều lý do dẫn đến việc này như y tá tắm mặc nhầm đồ bé này sang bé khác, đeo nhầm số, mực viết trên tay, chân bị mờ, hay người nhà hoặc sản phụ bế nhầm con người khác vì không nhớ… Dù lý do là gì đi chăng nữa thì sự nhầm lẫn đó có thể thay đổi số phận của một con người, làm xáo trộn cuộc sống gia đình, thậm chí dẫn đến những hậu quả không hay về sau.
Để tránh việc trao nhầm con tai hại ở bệnh viện, trên một số fanpage, mọi người thi nhau chia sẻ cách họ đánh dấu em bé mới sinh để không thể lạc mất con mình.
Anh Văn Mạnh (36 tuổi, Bình Dương) tiết lộ cách anh đã làm để nhớ mặt con sau 3 năm dài mong ngóng: “Trước khi đẻ, vợ mình đã dặn lúc mổ xong chắc mệt nên không thể nhớ được mặt con. Mình cũng lo vì đàn ông con trai hay lơ đễnh, không để ý nhiều được như các bà, các mẹ. Mình nghĩ ra cách khi bác sĩ bế con ra cho người nhà nhìn, mình lấy điện thoại chụp ngay ảnh con. Nhưng vì các bé mới sinh rất giống nhau, nếu chụp nguyên mặt chắc cũng hơi khó nhận nên mình tháo luôn mũ trên đầu con để xem tóc con thế nào, nhiều hay ít, lưu lại một tấm cho chắc ăn. Cẩn thận hơn, mình xin cô y tá cho tháo phần bao chân của con, nhìn thật kỹ hình dáng, rồi cả phần móng chân của con. Mình thấy móng bé khá dài, có chỗ như còn một chút bẩn bên trong. Tất cả mình chụp lại hết. Đến khi họ mang bé lại cho mẹ và gia đình sau khoảng 6 tiếng, mình mở ra so đúng trong ảnh mới yên tâm”.
Các mẹ đua nhau chia sẻ “chiêu” chống nhầm con ở bệnh viện.
Chị Minh Trang (32 tuổi, Hà Nội) lại đánh dấu con bằng chiếc vòng dâu đã mua từ trước đó. Chị chia sẻ: “Mình đẻ mổ nên khi sinh con xong, bác sĩ cho nhìn mặt con một chút, thú thực lúc đó vẫn còn mệt nên không thể nhìn lâu hay để ý em bé có đặc điểm gì cả. Mình đưa cho hộ lý một chiếc vòng dâu (theo các cụ là có tác dụng tránh tà, mồ hôi trộm), nhờ cô ấy đeo vào chân bé đề phòng trường hợp nhầm con. Khi họ vệ sinh cho bé ngay trong phòng đẻ, mình cố gắng hỏi kỹ cân nặng, rồi hỏi xem bé có đặc điểm hay dấu vết gì không. Lúc em bé được đưa sang phòng khác để chăm sóc, mẹ mình với chồng ở bên ngoài đi cùng con luôn, cố gắng nhìn thật kỹ mặt con và nhớ khuôn mặt bé. Mẹ mình còn cứ đứng trước cửa phòng bé, nhìn đúng cái xe nôi, theo dõi thật kỹ chỗ cháu nằm. Bà mới có cháu đầu tiên nên để ý từng tí một. Dù bệnh viện cũng có đeo số cho cả mẹ và con nhưng mình vẫn cẩn thận, chứ nhầm con khổ lắm”.
Trong khi các sản phụ đẻ mổ thường phải xa con khoảng 3-6 tiếng thì các mẹ sinh thường được nằm cạnh em bé luôn cho đến khi ra gặp người nhà. “Khi vừa được đẩy ra khỏi phòng sinh, người nhà mình được cho vào luôn để thăm hai mẹ con. Mẹ mình ôm lấy cháu chừng 5 phút, rồi đặt ngay bé xuống, tháo nhanh lớp bọc bên ngoài quan sát xem bé có khiếm khuyết, vết bớt hay đặc điểm gì không. Bà xem rất kỹ, từ ngón tay, ngón chân đến tóc, tai con… Bà bảo phải nhìn ngay để còn nhớ cháu, nhỡ có nhầm con thì còn biết đường. Hàng xóm mình từng có trường hợp y tá sau khi tắm mặc nhầm quần áo của bé này cho bé khác, đến khi mang bé trả về người nhà phát hiện ra ngay vì mũi bé có nốt ruồi nhỏ”, chị Thu Hiền (Kim Ngưu) chia sẻ.
Dù hai mẹ con được đeo vòng ở tay và chân giống nhau, em bé còn được dán một mẩu băng dính to ở trán ghi tên mẹ nhưng chị Phượng (Hải Phòng) vẫn cẩn thận xem từng chi tiết trên người con. Chị cho biết đó là việc đầu tiên các sản phụ nên làm để hiểu rõ con mình và tránh nhiều trường hợp không may có thể xảy ra.
Hai mẹ con chị Phượng được đeo vòng ở tay, chân giống nhau. Em bé được dán một mẩu băng dính ở trán ghi tên mẹ.
Vừa đọc kinh nghiệm của những người đi trước, nhiều mẹ bầu giờ cũng vắt óc suy nghĩ cách đánh dấu để con không bị trao nhầm ở bệnh viện.
“Đọc mấy vụ nhầm con gần đây mình hoang mang quá. Dù biết những vụ đó chỉ là hy hữu nhưng vẫn lo, làm sao biết nó không rơi vào nhà mình. Thế nên mình nghĩ khi sinh con ra, chắc mình sẽ cố lấy vài sợi tóc của con, gói ghém cẩn thận để nhỡ đâu có nhận nhầm, hay linh tính thấy có điều gì đó còn có cơ sở để tìm lại con. Mình chắc chắn cũng xin số điện thoại của các mẹ cùng phòng nữa, cẩn thận chắc không thừa”, chị Linh Nga (Hà Đông) cho hay.
Tháng 4 này sẽ sinh bé gái đầu lòng, chị Hương Ngân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) dự định sẽ không cho bé đi tắm ở bệnh viện nếu sinh thường, chị sẽ thuê một hộ lý về tận nhà tắm cho con. Trong trường hợp sinh mổ phải ở viện lâu, chị cũng sẽ nhờ luôn một hộ lý đặc biệt chăm sóc con mình. Chị chia sẻ dù tốn thêm một khoản nữa nhưng chị sẽ yên tâm hơn, tránh mọi trường hợp xấu có thể xảy ra với con.
Nỗi lo lắng của các gia đình là có cơ sở, tuy nhiên những trường hợp nhầm con chỉ là hy hữu bởi hiện nay, hầu như các bệnh viện sản lớn đều đã có những biện pháp đánh dấu mẹ và con rất khoa học. Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) áp dụng phương pháp da tiếp da ngay khi em bé được sinh ra, sau đó các y tá viết số lên đùi bé (về phải tắm vài lần mới hết), đeo vòng ghi đủ thông tin cả mẹ và bé, vòng đó không được tháo ra cho đến khi xuất viện. Tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP HCM), em bé và mẹ đều được đeo hai vòng tay giống nhau ghi tên mẹ, giới tính bé, ngày giờ sinh, cân nặng. Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và một số viện khác cũng đều có gắn vòng đánh số giống nhau cho mẹ và bé.
(Theo VNE)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.