Đôi khi tôi muốn bịt mắt trước khi thử và chọn một mùi nước hoa để tâm trí không bị ảnh hưởng bởi các nhãn hiệu, mà chỉ tập trung cho việc xác định mùi hương phù hợp với mình. Chúng ta sống trong một thế giới mà mọi thứ được định nghĩa bằng thương hiệu. Cho dù chúng ta có ý thức về nó hay không, thì các thực phẩm chúng ta ăn, khu vực chúng ta đang sống, thời trang chúng ta mặc đều đã bị biến đổi qua bàn tay tài tình của các chuyên gia marketing, quảng cáo so với bản chất thật của nó. Và nước hoa cũng vậy.
Nước hoa mang tên ban nhạc nổi tiếng One Direction
Một minh chứng điển hình cho điều này là việc các nhãn hiệu cho ra mắt nước hoa mang tên ngôi sao nổi tiếng. Chai nước hoa bán chạy nhất năm 2013 chính là One Direction’s Our Moment. “Rõ ràng không ai mua nó vì mùi hương, họ mua vì cái tên One Direction, một ban nhạc nổi tiếng”, nhà thiết kế nước hoa Azzi Glasser nói. Glasser cũng là người làm nên mùi hương mang tên ban nhạc JLS. Chai nước hoa ấy được người ta mua ngay cả khi còn chưa kịp ngửi thử nó. Sau màn giới thiệu của ban nhạc, các fan hâm mộ đua nhau mua nước hoa mà không cần biết họ có thích mùi hương đó hay không.”
Thực ra, điều này cũng không có gì mới. Các ngôi sao luôn là yếu tố giúp tăng lượng khách hàng cũng như danh tiếng của bất kỳ loại nước hoa nào. Chanel No 5 đã thành công với phương pháp này khi ngay từ đầu, hãng đã gắn hình ảnh Chanel No 5 với cô đào nổi tiếng Marilyn Monroe. Mùa giáng sinh 2 năm trước đây, Chanel vẫn tiếp tục tận dụng hình ảnh Marilyn cho chiến dịch quảng bá chai nước hoa truyền thống đó của mình ngay cả khi Marilyn đã qua đời từ lâu. Nếu Marilyn còn sống, rất có thể Chanel sẽ hợp tác với cô để làm nên chai nước hoa mang tên Marilyn, chứ không còn đơn thuần là dùng hình ảnh quảng cáo.
Cô đào Marilyn Monroe và chai Chanel No5 huyền thoại
Trên thực tế, mùi hương của một chai nước hoa không phải do các ngôi sao hay các nhãn hàng thời trang tạo ra. Họ chỉ “cho thuê” hình ảnh và nhãn hiệu của mình. Trong cuốn sách The Scent of Desire, nhà tâm lý học và thần kinh học, Tiến sĩ Rachel Herz viết rằng sự cảm nhận mùi hương của con người phụ thuộc vào cái họ nhìn thấy và nghe thấy chứ không chỉ là vấn đề khứu giác. Trong một thí nghiệm bà tiến hành, đối tượng thử nghiệm có những phản ứng tích cực và tiêu cực khi ngửi 2 mùi giống hệt nhau nhưng mang tên khác nhau. Về bản chất, đây gọi là ảo giác khứu giác.
Chandles Burr là một nhà phê bình mùi hương làm việc cho The New York Times. Ông khẳng định mình luôn đánh giá mùi hương mà không nhìn thương hiệu. Từ đó, cho dù là hiệu Prada, Hermès hay Chanel, chúng cũng không ảnh hưởng đến nhận định khách quan của Burr.
Theo các nghiên cứu, phụ nữ trẻ thường mua nước hoa vì họ thích sự nổi tiếng của thương hiệu hay tên ngôi sao đại diện cho dòng nước hoa đó. Nhưng càng lớn lên, họ càng muốn chọn cho mình một mùi hương mang cá tính riêng chứ không bị ảnh hưởng bởi cái tên của chai nước hoa đó.
Nguồn: Theo Vogue
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.