Quái vật huyền thoại Bigfoot, còn được gọi là Sasquatch, là một sinh vật khổng lồ nửa người nửa vượn, sống chủ yếu ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Tuy đến nay có rất ít bằng chứng vật chất cho thấy dấu hiệu về sự tồn tại của loài dã nhân này nhưng nhiều người tin rằng nó có thật và khoa học sẽ sớm chứng minh được điều đó.
Đã từ rất lâu, người dân bản địa vẫn thường kể cho nhau nghe nhiều truyền thuyết liên quan đến người rừng nhưng Bigfoot thì mới chỉ đặc biệt nổi lên trong khoảng 50 năm qua, nhất là thời điểm nửa cuối thế kỷ 20, sau khi loạt bài viết mô tả việc phát hiện ra dấu chân lớn bí ẩn tại Bluff Creek, California được đăng tải vào tháng 12/1959.
Nếu bạn không tin vào Bigfoot, hãy mỉm cười rằng rất nhiều người cũng cùng suy nghĩ giống bạn. Theo một cuộc khảo sát vào năm 2007 mang tên Baylor Religion Survey, chỉ có 16% người Mỹ tin Bigfoot “chắc chắn” hoặc “rất có thể” tồn tại, 44% trả lời “có lẽ là không” và khoảng 40% khẳng định chúng “hoàn toàn không tồn tại” (đáng chú ý là trong khi đó, số người tin vào ma quỷ, chiêm tinh học lại nhiều gấp đôi).
Đến nay các bằng chứng phổ biến về Bigfoot phần lớn chỉ là thông tin miệng do nhân chứng cung cấp. Thật không may, giới cảnh sát và nhà tâm lý học đều cho rằng những lời khai đó hầu như không đáng tin cậy và rằng không phải ai cũng mô tả chính xác điều họ nhìn thấy, đặc biệt là ở một khoảng cách đáng kể với điều kiện ánh sáng yếu và đối tượng thường lúc ẩn lúc hiện sau tán lá cây như trong phần lớn báo cáo.
Sự tồn tại của quái vật Bigfoot là câu hỏi luôn gây nhiều tranh cãi.
Bất cứ ai cũng có thể bị nhầm lẫn và các phi công, cảnh sát, linh mục… không ngoại lệ. Thực tế hầu hết những chuyên gia nghiên cứu Bigfoot cũng phải lên tiếng thừa nhận rằng đại đa số trường hợp (ước tính 95%) đều do sai lầm hoặc là trò lừa bịp. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh số ít còn lại không dễ gì giải thích được.
Trong cuốn sách “Big Footprints”, nhà nghiên cứu kỳ cựu Grover Krantz bàn về những cáo buộc được cho là bằng chứng của lông, phân và máu Bigfoot: “Trong hầu hết các trường hợp được phân tích một cách khoa học, tất cả hóa ra đều không có thật”.
Ví dụ, “lông Bigfoot” chẳng qua chỉ là lông loài nai sừng tấm, gấu hay bò, còn “máu Bigfoot” được tiết lộ là một loại chất lỏng đã chuyển đổi. Đôi khi quá trình phân tích ADN các mẫu mang lại kết quả “không rõ ràng” hoặc “không thể xác định” nhưng nó cũng không có nghĩa đó là “Bigfoot”. Rất nhiều lý do khiến việc phân tích DNA gặp khó khăn, ví dụ như nó đã quá cũ kỹ và hư hại bởi môi trường xung quanh hoặc đơn giản là có thể mẫu này không nằm trong số các mẫu ở phòng thí nghiệm và nhất là chẳng ai biết ADN của Bigfoot trông như thế nào để mà so sánh.
Trên thực tế, di truyền học đã cung cấp một lý do nghi ngờ sự tồn tại ấy: thông thường số lượng các loài phải lên tới hàng chục thậm chí hàng ngàn cá thể thì mới phần nào đảm bảo tính đa dạng di truyền đủ để duy trì sự sống cho loài đó. Và như vậy, lẽ ra phải có ít nhất một trường hợp từng bị giết hại bởi thợ săn hoặc người lái xe trên đường cao tốc, đấy là chưa kể tới những cái chết do tai nạn, bệnh tật hoặc tuổi già. Tuy nhiên, đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy bất kỳ bộ phận cơ thể nào của Bigfoot dù chỉ mảnh xương nhỏ.
Thêm vào đó là việc hàng chục người thừa nhận họ đã cố tình giả mạo hình ảnh và gần như mọi loại bằng chứng khác liên quan đến Bigfoot. Một ví dụ điển hình vào năm 1982, Mullens Rant cuối cùng phải thừa nhận rằng chính ông và bạn bè đã khắc tạc bức tượng Bigfoot và sử dụng chúng để tạo ra các dấu chân giả khiến dư luận dậy sóng trong nhiều thập kỷ.
Tuy vậy, tình trạng thiếu hụt các bằng chứng không hề làm giảm niềm tin của những người ủng hộ giả thuyết Bigfoot tồn tại. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình tìm kiếm vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Tham khảo: Livescience
Theo Báo Đất Việt, Livescience