Loài cóc ở đảo Ishima (Nhật Bản) dường như đang trở thành kẻ thất thế trong cuộc chiến tiến hóa với một loài rắn. Không những chẳng hề hấn gì sau khi xơi cóc, lũ rắn còn lưu trữ chất độc của con mồi để tự vệ và đi săn.
Hầu hết các loài rắn và động vật khác tránh ăn cóc do sợ những chất độc trong da của chúng. Nhưng loài rắn Rhabdophis tigrinus lại dám làm điều đó. Deborah Hutchinson và các cộng sự tại Đại học Old Dominion ở thành phố Norfolk, bang Virginia (Mỹ), phát hiện ra rằng: Trong tuyến nước bọt của những con rắn Rhabdophis tigrinus trên đảo Ishima chứa những hợp chất thuộc họ bufadienolide – chất độc vốn chỉ hiện diện trên da cóc. Trong khi đó, đồng loại của chúng ở đảo Kinkazan – nơi không có cóc – lại không có những hợp chất đó.
Những con rắn không có khả năng tổng hợp chất độc của riêng chúng, nên chỉ có thể lấy các hợp chất bufadienolide từ con mồi. Để chứng minh phán đoán đó là đúng, nhóm nghiên cứu của Hutchinson đã chọn một số con Rhabdophis tigrinus mới nở rồi chia chúng thành hai nhóm. Họ cho một nhóm ăn khẩu phần có cóc và nhóm còn lại không ăn cóc. Sau một thời gian, những con ăn cóc tích tụ chất độc của cóc tại các tuyến nước bọt ở phía sau cổ, trong khi nhóm không ăn cóc chẳng hề có.
Một con rắn Rhabdophis tigrinus.(Ảnh: Venomousreptiles)
“Rhabdophis tigrinus là loài đầu tiên sử dụng chất độc của con mồi cho mục đích tự vệ và kiếm ăn”, Hutchinson phát biểu.
Ngoài ra, khi bị tấn công, rắn ở mỗi đảo lại phản ứng khác nhau. Trên đảo Ishima, rắn rướn thẳng người lên trên rồi phun chất độc vào kẻ thù, trong khi rắn trên đảo Kinkazan bỏ chạy.
“Những con rắn trên đảo Kinkazan ít sử dụng nọc độc trong tự vệ hơn so với đồng loại của chúng trên các đảo khác, có lẽ là do chúng không có nhiều chất độc để đe dọa kẻ thù”, Hutchinson nhận định.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng, những con rắn cái có lượng độc tố cao thường truyền chất độc cho con non. Vì thế, rắn con có thể không cần ăn cóc mà vẫn có chất độc để tự vệ.
Việt Linh
Theo Newscientist, Vnexpress