Thu hồi hàng loạt dầu ăn bẩn ở Đài Loan và Hong Kong
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện thông tin về việc tập đoàn Chang Guann của Đài Loan sản xuất và kinh doanh dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp.
Một lượng lớn dầu ăn bẩn đã bị thu hồi. (Ảnh: Focus Taiwan)
Trang Focus Taiwan đưa tin, vụ việc gây chấn động mạnh mẽ tại Đài Loan vì liên quan đến hàng loạt công ty nổi tiếng như Wei Chuan, Chi Mei, Taiwan Sugar… Cảnh sát đã phát hiện 243 tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải, vật liệu nhiễm độc do một nhà máy không phép tại Bình Đông sản xuất và bán cho tập đoàn Chang Guann.
Công ty Chang Guann thừa nhận mua dầu mỡ từ nhà máy Bình Đông vào tháng 2 năm nay để chế biến 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm khác. Chang Guann là nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thực phẩm có tiếng ở Đài Loan, chuyên cung cấp dầu ăn cho hàng trăm công ty sản xuất thực phẩm, trường học và nhà hàng ở 22 thành phố, quận huyện.
Tập đoàn thực phẩm Wei Chuan, một trong những thương hiệu có tiếng và lâu đời tại Đài Loan, cũng vừa quyết định thu hồi 12 mặt hàng của hãng như thịt lợn khô, patê… Wei Chuan thừa nhận đã sử dụng 15,6 tấn dầu ăn từ công ty Chang Guann. Hãng cũng tuyên bố sẽ ngừng bán, thu hồi toàn bộ số thực phẩm bẩn trong các đại lý, siêu thị đồng thời hoàn tiền cho người mua.
Dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp. (Ảnh: scmp.com)
Đến nay các cơ quan chức năng Đài Loan đã thu giữ 49 tấn dầu tái chế có nghi ngờ liên quan đến Chang Guann và ra lệnh cho tất cả các công ty cung cấp thu hồi sản phẩm có thể chứa các loại dầu bẩn. Các nhà chức trách lo sợ một số dầu bị nhiễm độc có thể đã đi đến các cửa hàng ăn nhanh và chợ đêm, gây nên tình trạng khó kiểm soát. Cảnh sát vẫn đang điều tra để biết liệu thực phẩm nhiễm độc có bán ra nước ngoài hay không.
Trên trang scmp.com cũng đưa tin, ngày 6/9, giới chức Hong Kong cũng đã ra thông báo rà soát, kiểm tra lại tất cả công ty thực phẩm trong nước. Nhiều công ty đã thu hồi các sản phẩm liên quan, trong khi chờ điều tra của cơ quan y tế.
Một doanh nghiệp Hong Kong nhập khẩu thực phẩm Đài Loan cho biết, sản phẩm của mình không chứa dầu mỡ nhưng doanh số bán hàng đang giảm và có khả năng sụt giảm nghiêm trọng trong những tháng tới, vì người tiêu dùng sẽ có khuynh hướng ngại mua các loại thực phẩm Đài Loan.
Dầu ăn bẩn có độc tố cao
Theo báo cáo của tiến sĩ Hà Đông Bình, chuyên gia về chất độc thực phẩm tại ĐH Bách khoa Vũ Hán, Trung Quốc trên tờ China Youth Daily, khoảng 1/10 món ăn tại các nhà hàng được nấu bằng những loại dầu bẩn. Loại dầu ăn này thường được tái chế từ dầu đã qua chế biến, thải ra từ các nhà nhà hàng. Nguy hiểm hơn, chúng có thể được vớt lên từ những bể phốt nước thải gần khách sạn, nhà hàng.
Chất thải này được đưa đến các xưởng hoạt động không giấy phép ở ngoại ô. Tại đây, chúng được đun nóng và lọc nhiều lần để trở thành dầu ăn thông thường và được đưa trở lại nhà hàng, khách sạn với giá cực rẻ. Nhìn bề ngoài, chúng không khác dầu ăn thường. Nhưng chúng chứa chất độc hại có thể gây ung thư được gọi là aflatoxin. Aflatoxin được sinh ra từ dầu ăn ôi thiu, và không bị phân hủy trong quá trình nấu ở nhiệt độ cao. Loại chất độc này có độc tố gấp nhiều lần thạch tín trắng.
Phía Đài Loan xác nhận thực phẩm làm từ dầu ăn bẩn có xuất sang Việt Nam
Sau khi nhận được thông tin, ngày 10/9, Cục An toàn Thực phẩm đã tiến hành rà soát danh sách các sản phẩm dầu ăn và các sản phẩm làm từ dầu ăn của Đài Loan được công bố để nhập khẩu vào Việt Nam. Sau khi rà soát, Cục An toàn Thực phẩm kết luận hiện tập đoàn Chang Guann không có sản phẩm nào đã công bố để nhập khẩu vào Việt Nam.
Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã gửi công văn yêu cầu Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội và Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Đài Loan kiểm tra và cung cấp thông tin liên quan.
Ngay sau đó, trang The Japan Times đưa tin, ngày 12/9, Cục phó Cục Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan Khương Úc Mỹ thừa nhận có 14 mặt hàng thực phẩm dùng dầu ăn bẩn ở Đài Loan đã được xuất khẩu sang 12 nước và vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Pháp, Úc, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Việt Nam, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.
Hiện tại, Cục An toàn Thực phẩm đang tiến hành xác minh chính xác những mặt hàng làm từ dầu ăn bẩn của Đài Loan xuất sang Việt Nam để thông báo cho người dân biết.
Nguy cơ gây ung thư
Bác sĩ dinh dưỡng Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, dầu thực vật về nguyên tắc chỉ sử dụng một lần, không được tái sử dụng. Thế nhưng trong thực tế, tình trạng dầu ăn thải loại của một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm được tuồn ra thị trường, sau đó người mua đem tái chế, tinh lọc bằng các phương pháp, có cả việc cho hóa chất độc hại vào để xử lý rồi bán ra thị trường.
Loại dầu này rất độc bởi về mặt hóa học, dầu ăn khi đã đun ở nhiệt độ cao sẽ chuyển từ dạng cit (có lợi cho sức khỏe) sang dạng trans (không có lợi). Nhiều cấu trúc dạng trans kết hợp lại sẽ dễ tạo ra chất gây ung thư. Người ta còn pha chế cả các loại dầu nguyên liệu vốn không được dùng trong thực phẩm như dầu lanh, dầu cọ… (thường chỉ dùng trong công nghiệp sản xuất sơn) có giá thành rẻ hơn nhiều so với dầu thực vật. Khi pha những loại dầu này vào dầu ăn sẽ làm hạn chế sự đổi màu của dầu khi sử dụng. Loại này rất có hại đối với sức khỏe con người.
Bác sĩ Yến Phi nhấn mạnh: “Dầu ăn là thực phẩm dễ bị ôxy hóa các axít không no, nếu đun ở nhiệt độ cao nhiều lần, khi xâm nhập cơ thể sẽ gây tổn thương các tế bào, dễ tạo thành những khối u, gây ung thư. Khi chúng ta ăn phải các thực phẩm cháy, vỡ vụn là đưa vào cơ thể các chất phosphor, lưu huỳnh, sẽ rất độc hại”.
Bác sĩ Yến Phi cũng đưa ra lời khuyên:“Để đảm bảo sức khỏe, không nên sử dụng dầu nhiều lần. Khi cơ quan chức năng chưa xác minh rõ những mặt hàng làm từ dầu ăn bẩn của Đài Loan xuất sang Việt Nam thì người tiêu dùng nên thận trọng với những sản phẩm có xuất xứ từ quốc gia này”.
Nguồn: Theo phununews
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.