Nghiên cứu mới cho thấy lực hấp dẫn của sao Mộc có thể đã ảnh hưởng đến khí hậu trên Trái đất và từ đó tạo điều kiện cần thiết để sự sống sinh sôi.
>>> Sự sống từng phát tán khắp hệ mặt trời
Sao Mộc được cho là đã ảnh hưởng đến vị trí và độ nghiêng của Trái đất như hiện nay – Ảnh: Astropt.org
Sao Mộc cách Trái đất đến 588 triệu km, nhưng bất chấp khoảng cách xa xôi trên, các nhà thiên văn học từ lâu cho rằng lực hấp dẫn của hành tinh khí khổng lồ đã làm chệch hướng đường đi của sao chổi và tiểu hành tinh để tránh làm cho chúng va vào địa cầu.
Giờ đây, một nghiên cứu mới đã hé lộ phạm vi tác động của lực hấp dẫn từ sao Mộc đối với sự sống trên hành tinh xanh cách đây hàng tỉ năm, theo trang Space Daily.
Cuộc nghiên cứu, do Đại học New South Wales (Úc) và Đại học Hoàng gia Holloway tại London (Anh) thực hiện, cho thấy vị trí và độ nghiêng của Trái đất thay đổi theo vị trí của sao Mộc.
Trọng lực của sao Mộc – gấp 2,5 lần so với Trái đất – đủ sức tạo lực kéo lên các hành tinh trong hệ mặt trời, bao gồm địa cầu.
Điều này có nghĩa là dựa trên mức độ tương tác với Trái đất, quỹ đạo của địa cầu (và từ đó khí hậu) có thể dao động rất lớn, chẳng hạn như nếu hành tinh của chúng ta bị kéo gần mặt trời hơn, khí hậu sẽ thay đổi.
Theo Thanh Niên