Nước lũ dâng nhanh bao vây các huyện miền núi Thanh Hoá khiến hàng trăm hộ phải di tản khẩn cấp đến công trình kiên cố ở vị trí cao.
Thanh Hoá sơ tán khẩn cấp hàng trăm hộ dân tránh lũ
Chiều 3/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, hơn 100 hộ dân các huyện miền núi Quan Hóa, Cẩm Thủy, Mường Lát bị ngập do mực nước sông Mã dâng cao. Hàng chục hộ khác đứng trước nguy cơ bị cô lập vì lũ dữ. Những hộ này đã được lệnh sơ tán đến các trường học, công sở ở nơi cao ráo.
Nước lũ tràn ngang một ngôi nhà ở huyện miền núi Quan Hóa. (Ảnh: Trung Sơn.)
Hàng nghìn m3 đất đá tràn xuống quốc lộ 15C qua địa bàn xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát bị sạt lở 3 điểm thuộc các bản Chim, Pá Hộc và Cặt. Hai nhà dân ở huyện này cũng bị đất đá làm hư hỏng.
Một cây cầu treo bắc qua sông Mã ở khu vực bản Éo (xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa) và tuyến đê quai thuỷ điện Hồi Xuân bị cuốn trôi. Người dân đang phải dùng bè mảng để qua lại. Hàng nghìn ha hoa màu có nguy cơ mất trắng.
Hai người đàn ông ở xã Thành Sơn dùng mảnh ván di chuyển trên tuyến đường ngập sâu cả mét. (Ảnh: Trung Sơn.)
Đến 18h ngày 3/8, lũ có dấu hiệu rút nhưng rất chậm do mưa lớn vẫn đổ xuống thượng nguồn.
Mực nước hồ thủy điện Bá Thước 2 (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) lên cao trên báo động I (40,5 m). Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa đã tiến hành xả lũ để tránh vỡ hồ đập.
Trong khoảng thời gian xả lũ thủy điện, người dân được khuyến cáo tuyệt đối không đi lại, vớt củi, đánh bắt cá ở những nơi nước chảy xiết, những vị trí đã cắm biển báo.
Nước lũ ở thượng nguồn sông Mã chưa có dấu hiệu rút. (Ảnh: Trung Sơn.)
Từ 31/7 đến nay miền Bắc có mưa to do ảnh hưởng của rãnh thấp. Các tỉnh miền núi như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, mưa dồn dập trong thời gian ngắn đã hình thành lũ quét, lũ ống làm 10 người chết, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi.
Trước đó ngày 25 đến 28/7, đợt mưa lũ lớn nhất trong 50 năm qua ở Quảng Ninh đã làm 17 người chết, thiệt hại tài sản trên 1.500 tỷ đồng.
Theo VnExpress