Một nhóm nghiên cứu phát hiện dòng dung nham nóng chảy chạy qua Nga và Canada dài 9.000km, rộng 420km và có nhiệt độ gần bằng Mặt Trời.
Các nhà khoa học vừa phát hiện một dòng dung nham nóng chảy dưới bề mặt Trái Đất, kéo dài 9.000km từ Canada sang Nga, RT hôm 21/12 đưa tin. Nó có chiều rộng khoảng 420km và nhiệt độ gần bằng Mặt Trời.
“Phát hiện này là một bước tiến thú vị, giúp tìm hiểu thêm về hoạt động bên trong hành tinh của chúng ta”, Chris Finlay, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Dòng dung nham dài 9.000km dưới bề mặt Trái Đất có nhiệt độ gần bằng Mặt Trời. (Ảnh minh họa: Reuters).
Nhóm nghiên cứu đã quan sát dòng chảy với sự hỗ trợ từ dự án Swarm của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Dự án bao gồm ba vệ tinh có thể tính toán và giải mã tín hiệu từ trường phát ra từ Trái Đất.
“Các vệ tinh của Swarm cung cấp hình ảnh sắc nét nhất về lõi Trái Đất. Nhờ vậy, chúng tôi lần đầu tiên có thể quan sát rõ dòng chảy và tìm hiểu lý do tồn tại của nó”, tiến sỹ Phil Livermore, đến từ Đại học Leed, Anh, người phụ trách nghiên cứu, chia sẻ.
Các nhà khoa học nhiều năm qua đã theo dõi lõi Trái Đất bằng cách đo từ trường của hành tinh. Kết quả cho thấy sắt trong lớp vỏ bên ngoài di chuyển nhanh hơn ở bán cầu bắc, đặc biệt là phía dưới Alaska và Siberia.
Thông qua dữ liệu từ vệ tinh của Swarm, nhóm nghiên cứu kết luận sự thay đổi tốc độ này được gây ra bởi một dòng dung nham di chuyển hơn 40km mỗi năm, nhanh hơn hàng trăm nghìn lần tốc độ di chuyển của các mảng kiến tạo Trái Đất. Tốc độ dòng chảy cũng tăng nhanh trong hai thập kỷ qua và đã tăng gấp ba lần chỉ tính từ năm 2000.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện này sẽ cung cấp thêm thông tin về cấu trúc của lõi Trái Đất và nguồn gốc hình thành từ trường của hành tinh.
“Từ đó, chúng ta có thể tìm hiểu sự thay đổi của từ trường qua thời gian, cũng như dự đoán thời điểm nó mạnh lên hay ngược lại”, Livermore nói.