Sông Hồng cạn trong con mắt nhà khoa học

Mực nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội hiện xuống thấp nhất trong hơn 100 năm qua, nhiều chỗ cạn trơ đáy. Nhiều người cho rằng đây là do biến đổi khí hậu, song các nhà khoa học lại có cái nhìn khác.

Từ giữa tháng 11 đến nay, mực nước đoạn qua Hà Nội liên tục ở mức thấp, dao động từ 1 – 1,5m. Sáng 10/12, mực nước ở chỗ sâu nhất chỉ đạt 1,36 m, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu khẳng định: “Ngăn nước làm thủy điện, chặt phá rừng… khiến hạn hán là đương nhiên”.

Nên xem lại cách vận hành hồ thủy điện

Từng nhiều lần “vi hành” tìm hiểu việc sử dụng nguồn nước, bà Đỗ Hồng Phấn, Trưởng ban cố vấn Mạng lưới Cộng tác vì nước Việt Nam cho rằng, đây chính là câu chuyện kỹ thuật trong việc điều tiết nguồn nước từ các hồ thủy điện. Việc giải thích do thiên nhiên, hay El Nino chỉ là “cớ” và cũng chỉ tác động một phần rất nhỏ.

Theo bà Phấn, từ khi thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động (năm 1988), sông Hồng đã có nhiều thay đổi. Theo đúng thiết kế, vào mùa cạn, nước đầu nguồn xả xuống từ từ, như vậy sông không bao giờ cạn quá.

Vào mùa lũ, nước được giữ lại trong hồ nên đỉnh lũ trên sông thường thấp hơn bình thường. Thế nhưng có vẻ việc vận hành đã không tuân theo quy trình thiết kế.

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội có nhiều chỗ cạn trơ đáy, người dân có thể đi lại dưới lòng sông.

Trong một ngày đêm, ban đêm dùng ít điện, ban ngày dùng nhiều. Thủy điện phải điều tiết bằng cách vào khoảng 0h đến 8-9h sáng đóng cửa tuốc-bin, đến giờ cao điểm sẽ mở hết các tuốc-bin.

Như vậy, khi đóng cửa xả nước vào ban đêm, nước bị ứ lại trong hồ chứa, cuối dòng sông sẽ xảy ra hiện tượng khô cạn. “Đáng ra phải làm theo đúng nhiệm vụ thiết kế, đảm bảo phải có 600 m3/s ngày, đêm xả nước, kể cả khi nhu cầu điện không cao vào ban đêm. Thế nhưng họ đã không làm như vậy. Những người làm kỹ thuật biết rõ điều này”, bà Phấn khẳng định.

Ông Đặng Duy Hiển, Trưởng phòng Quản lý tưới tiêu, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết: Nguồn nước hạ lưu các sông phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ thượng lưu. Ở miền Bắc có ba sông cung cấp nước cho sông Hồng là sông Đà, sông Lô và sông Thao. Trên các nhánh sông này cũng có ba hồ thủy điện là Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang.

Thủy điện phát điện nhiều sẽ xả nước ra sông nhiều. Tuy nhiên, hiện hệ thống điện quốc gia có thể cân đối bằng nhiệt điện, nên thủy điện đang chạy cầm chừng. Thủy điện đang tích nước cho mùa khô nên không xả nước vô công, họ phải để dành nước để phát điện trong mùa khô. “Thủy điện phát rất ít, xả ít nước nên mực nước sông Hồng cũng xuống thấp”, ông Hiển nhận định.

Không nên đổ hết lỗi cho biến đổi khí hậu

Tiến sĩ Ninh cho rằng, việc sông Hồng cạn cũng không quá khó hiểu. Đó chính là do con người chặt phá rừng đầu nguồn nên khả năng giữ nước không còn. Vì thế vào mùa lũ, lũ mạnh hơn còn mùa hạn cũng hạn ghê gớm hơn. Cộng thêm yếu tố ngăn đập để làm thủy điện mới dẫn đến sự cạn kiệt của dòng sông như những ngày qua.

Ông Đinh Văn Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Địa môi trường và tổ chức lãnh thổ (Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam) cũng cho rằng không thể đổ lỗi cho biến đổi khí hậu vì sự thay đổi của tự nhiên có chu kỳ rất dài, có thể lên đến hàng trăm năm. “Sự thay đổi của tự nhiên là có, nhưng không rõ rệt như vậy”, ông Hùng nói.

Tiến sĩ Ninh cho rằng để xác định cụ thể nguyên nhân khiến mực nước sông Hồng xuống thấp cần phải có nghiên cứu riêng và chính xác về dòng chảy, số lượng rừng…và phải xem xét trong một thời gian dài. Tuy nhiên, theo ông, khi nước để phát điện còn không đủ thì khó có thể xả cho các mục đích khác. Vì vậy, cần phải xem lại các hồ thủy điện và việc sử dụng nguồn nước.

 

Theo Báo Đất Việt