Nhà vũ trụ học người Anh, nổi tiếng với tác phẩm bán chạy “Lược sử thời gian” và cuộc sống trên xe lăn, sẽ đặt bước chân đầu tiên trên hành trình bay vào vũ trụ bằng việc thực hiện chuyến bay không trọng lượng vào tháng tới.
Ngày 26/4, Hawking sẽ lăn xe lên một chiếc Boeing 727-200 đặc biệt của tập đoàn Zero Gravity để trải nghiệm cảm giác không trọng lượng trên độ cao 10.000 mét – cảm giác mà vì nó ông đã cống hiến cả cuộc đời để nghiên cứu.
Một chuyến bay như vậy thông thường có giá 3.500 đôla, nhưng sẽ là miễn phí với Hawking. Peter H. Diamandis, giám đốc chương trình Zero G, cho biết: “Ý tưởng tạo cơ hội cho vị chuyên gia hàng đầu thế giới về trọng lực trải nghiệm cảm giác không trọng lượng” là không thể cưỡng lại được”.
(Ảnh: Techshout.com) |
Hawking từng phát biểu trong ngày sinh nhật thứ 65 của mình, tổ chức hồi tháng trước, rằng ông hy vọng sẽ được tham dự một chuyến bay dài hơn, cao hơn vào năm 2009 trên một chiếc phi thuyền do công ty Virgin Galactic của Richard Branson đang phát triển. Công ty này dự kiến sẽ đưa 6 vị khách lên độ cao 70 dặm.
Diamandis, một nhà doanh nghiệp vũ trụ, người đã lập ra giải thưởng Ansari X trị giá 10 triệu đôla để trao cho con tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên trên thế giới (giải thưởng mà từ đó phi thuyền của Branson ra đời), cho biết đã tặng Hawking chuyến đi này sau khi nghe ông bày tỏ nhiệt tình với các chuyến bay không gian.
Branson cũng đã quyết định sẽ bỏ tiền túi để đài thọ Hawking chiếc vé vào vũ trụ – một chuyến bay mà thường sẽ tốn khoảng 200.000 đôla.
“Ông ấy là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất của mọi thời đại”, chủ tịch hãng Virgin Galactic phát biểu.
Hawking cho biết ông muốn khuyến khích niềm đam mê của công chúng với các chuyến bay vũ trụ, điều mà ông tin là tối quan trọng với tương lai của loài người.
“Tôi cũng muốn chứng tỏ rằng con người không nhất thiết bị giới hạn bởi các cản trở về vật lý cũng như họ không bị tật nguyền về tinh thần”.
Mùa hè năm ngoái, tại một buổi họp báo ở Hong Kong, Hawking tuyên bố sự sống sót của loài người trước sau sẽ phụ thuộc vào việc chinh phục thái dương hệ và xa hơn nữa.
S.W. Hawking sinh năm 1942. Trong cuộc sống cá nhân, ông gặp nhiều bất hạnh. Năm 1985, ông bị sưng phổi và sau khi phẫu thuật mở khí quản, Hawking mất khả năng phát âm. Trước đó, một căn bệnh tê liệt thần kinh (bệnh ALS) đã gắn chặt ông vào chiếc xe đẩy. Hawking chỉ còn cách làm việc và giao tiếp với mọi người bằng một máy vi tính và một máy tổng hợp tiếng nói lắp liền với ghế. Tuy nhiên, tất cả những bất hạnh này không quật ngã được ý chí của nhà vật lý thiên tài. Hiện nay ông là giáo sư tại Đại học Cambridge (Anh), ở chức vụ mà ngày xưa Newton, rồi sau đó là P.A.M. Dirac, đảm nhiệm. Ông chuyên nghiên cứu về lý thuyết tương đối rộng. Những kết quả thu được cùng với George Ellis, Roger Penrose,… và nhất là sự phát hiện khả năng bức xạ của các các lỗ đen đã đưa Hawking lên hàng những nhà vật lý nổi tiếng nhất thế giới.
T. An
Theo Tân Hoa Xã, Vnexpress