Trong những tuần sau khi thụ thai, em bé của bạn bắt đầu hình thành từ một phôi thai với 3 lớp riêng biệt: nội bì, trung bì và ngoại bì. Tất cả đều được hình thành ngay trong 3 tuần đầu của thai kỳ. Ngoại bì chính là phần sau này phát triển thành da, tóc và móng của em bé.
Da
Da – cơ quan lớn nhất của cơ thể bắt đầu hình thành từ tuần thứ 5 – 8 của thai kỳ. Tại thời điểm này, phần biểu bì của em bé chỉ gồm 2 lớp là tế bào cơ sở (lớp bên trong của tế bào) và tế bào chu bì (lớp bên ngoài của tế bào). Lông bắt đầu phát triển ngay lập tức sau khi da hình thành với những ngọn lông tơ nhỏ và mảnh chỉ sau 8 tuần.
Khi bạn mang thai được khoảng 8 – 9 tuần, biểu bì phân tầng bắt đầu phát triển thành một lớp tế bào trung gian mới. Lớp tế bào này ở giữa lớp tế bào cơ sở và tế bào chu bì, đây chính là nơi các nang lông/tóc của em bé xuất hiện. Trong các tuần tiếp theo, sự phân tầng biểu bì trở nên rõ ràng hơn. Khi được 4 tháng, tất cả các lớp biểu bì đã phát triển và nhìn giống với da của người lớn.
Móng
Trước khi tóc của em bé thực sự mọc, móng tay và móng chân của bé bắt đầu hình thành vào khoảng tuần thứ 11 và 12. Đến khoảng tuần thứ 34, móng tay và móng chân của bé đã phát triển hoàn thiện.
Lông, tóc
Từ tuần thứ 14 hoặc 15, những sợi lông nhỏ bắt đầu mọc qua da, hình thành những chân tóc rất sớm. Trong suốt thời kỳ mang thai, tóc của em bé trải qua 2 chu kỳ rụng và mọc trở lại. Lông mi và lông mày của bé mọc muộn hơn, vào khoảng tuần thứ 22.
Thực tế thú vị: Bộ não của bé phát triển rất nhanh và da đầu mỏng manh của bé phải giãn ra để đáp ứng sự phát triển của bộ não. Thậm chí, trước khi tóc con mọc lên, sự giãn da đầu còn gây ra các xoáy đầu ngược chiều kim đồng hồ. Hơn một nửa các trường hợp xoáy đầu của em bé đều hướng về phía bên trái. Điều này rất có thể là do nửa não trái thường lớn hơn não phải một chút.
Lông tơ
Quá trình mọc tóc diễn ra liên tục trên đầu trẻ. Ở tuần thứ 14, đầu em bé được phủ kín bởi một lớp lông tơ để giữ ấm đầu. Lông tơ cũng mọc ở khắp người em bé giống như một chiếc áo khoác giữ ấm cơ thể. Nhưng cho đến tuần 30, lớp lông tơ đó sẽ rụng đi.
Mỡ sáp (vernix caseosa)
Đến tuần thứ 19, em bé có làn da mỏng và được bao phủ mỡ sáp. Đó là một chất nhờn màu trắng được tạo thành từ các tế bào da bị bong ra và chất nhờn từ tuyến bã nhờn. Loại mỡ sáp này giúp bảo vệ da em bé trong nước ối. Không có nó, lúc sinh ra em bé của bạn nhìn sẽ nhăn nheo hơn.
Đến tuần thứ 34, lớp mỡ sáp bảo vệ da dày lên và bị mất đi trong 2 tuần sau đó. Tại thời điểm này, mỡ sáp bám vào lông tơ bong ra khỏi da em bé hòa vào nước ối. Ở trong bào thai, em bé của bạn thực sự đã nuốt cả nước ối chứa chất thải ở trên da và chất thải đó chính là một phần tạo ra phân su của em bé khi bé đi ị lần đầu tiên.
Màu da
Trong những tuần cuối cùng của thai kỳ, bé còn rất ít mỡ sáp trên cơ thể nên da bé nhìn trắng, sạch hơn. Nhưng đến khoảng tuần 32, bé có màu da sẫm hơn/ màu tím đỏ do hệ thống tuần hoàn bắt đầu điều chỉnh để chuẩn bị ra ngoài môi trường sống mới. Phải mất vài tháng, thậm chí là 6 tháng sau khi sinh, bé mới có thể có lại nước da màu trắng bình thường.
Màu tóc, độ dày và kiểu tóc
Khi siêu âm thai nhi, bạn không thể nhìn rõ màu tóc, độ dày và kiểu dáng tóc của em bé. Tóc là sắc tố tự do và có màu sáng trắng khi em bé vẫn còn ở trong bụng mẹ. Khi mới sinh được khoảng 8 – 12 tuần tuổi, tóc của bé sẽ trải qua một vài giai đoạn phát triển mới. Từ 3 – 7 tháng tuổi là thời kỳ trẻ thay và mọc lông, tóc nhanh nhất. Nhưng bạn sẽ phải đợi đến khi trẻ 2 tuổi thì mới biết rõ được màu, độ dày và kiểu tóc của con mình.
Nguyễn Mai – Nguồn: WTE
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.