Cuối tháng 9/2014, cô bé Thea 12 tuổi, người Na Uy đã thông báo trên blog cá nhân của mình rằng: “Xin chào, tôi là Thea, tôi sẽ tổ chức đám cưới trong vòng một tháng nữa”. Chỉ trong một ngày, blog của Thea đã trở thành blog được nhiều người truy cập nhất Na Uy và khiến truyền thông nước này dậy sóng.
Blog giả của “cô dâu” 12 tuổi Thea.
Thea đã đăng tải lên blog hình ảnh nhà thờ nơi sẽ diễn ra hôn lễ của cô. Ngoài ra, như mọi cô gái tuổi mới lớn khác, Thea cũng không quên chụp ảnh “tự sướng” trong bộ váy cô dâu của mình. Không chỉ chia sẻ hình ảnh, Thea còn chia sẻ những cảm xúc khi sắp trở thành bà xã trẻ nhất Na Uy và bày tỏ sự tiếc nuối khi hôn lễ sẽ diễn ra cùng ngày với tiệc sinh nhật người bạn thân trong lớp.
“Cô dâu” 12 tuổi trong bộ váy cưới.
Sau khi nghe câu chuyện của Thea, hàng ngàn người đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tranh luận sôi nổi về vấn đề tảo hôn. Đa số ý kiến là phản đối kịch liệt cuộc hôn nhân lạ kì này. Một số người đã đặt câu hỏi với chính phủ rằng tại sao ở đất nước văn minh, phát triển như Na Uy lại có thể xảy ra chuyện trẻ em kết hôn. Một số người khác thậm chí còn đề nghị Hội Bảo vệ Trẻ em Quốc gia ngăn chặn việc tiến hành lễ cưới.
Khi phản ứng của công chúng đã bắt đầu trở nên quá khích, sự thật mới được hé lộ. Cô dâu Thea 12 tuổi chỉ là nhân vật hư cấu và chú rể của cô cũng vậy. Tổ chức Kế hoạch Quốc tế – một tổ chức bảo vệ quyền trẻ em tại Na Uy đã xây dựng câu chuyện Thea nhằm thu hút sự chú ý của mọi người vào vấn đề tảo hôn. Đại diện tổ chức cho biết: “Thea chỉ là một ví dụ ảo cho 39.000 cô gái trẻ có thật khác đang bị ép phải tảo hôn mỗi ngày. Chúng tôi tin rằng hành động khiêu khích này là công cụ mạnh mẽ để khiến mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề tảo hôn. Nếu các bạn thấy câu chuyện Thea là không thể chấp nhận được, hãy góp tiếng nói để cùng chúng tôi bảo vệ các cô bé khác trên thế giới đang rơi vào nghịch cảnh tương tự”
Những người ủng hộ chiến dịch chống tảo hôn có thể truy cập vào trang web stoppbryllupet.no để bỏ phiếu hoặc quyên góp tiền cho các hoạt động của tổ chức. Ngoài ra, bất cứ ai cũng có thể bày tỏ sự đồng tình bằng cách chia sẻ thông tin về đám cưới giả của Thea lên tài khoản mạng xã hội của mình.
Ảnh chụp trang chủ của website stoppbryllupet.no.
Trên blog cá nhân của mình, ông Olaf Thommessen – Tổng thư ký của tổ chức Kế hoạch Quốc tế nói rằng: “Thay vì kể về các cô bé ở những nước xa xôi như Bangladesh hay Tanzania, chúng tôi đã dựng nên câu chuyện về một cô bé ở Na Uy để người dân có thể thấy rõ được hậu quả của vấn nạn tảo hôn. Chỉ có cách gây sốc này mới có thể đánh mạnh vào nhận thức của chúng ta”.
Và quả thật chiến dịch đã đạt được thành công vang dội. Blog giả của Thea đã biến mất ngay sau khi sự thật được công bố nhưng vẫn kịp thu hút cho trang web chính thức của tổ chức hơn 500.000 lượt xem chỉ trong một tuần.
Thea vẫn làm “lễ thành hôn” với chú rể 37 tuổi vào ngày 11/10/2014.
Điều thú vị nhất là đám cưới giả vẫn được tổ chức đúng như trong thông báo của “cô dâu” Thea. Hôn lễ diễn ra vào ngày 11/10 – đúng ngày Quốc tế trẻ em gái của Liên Hợp Quốc. Đây là bước cuối trong toàn bộ chiến dịch chống tảo hôn tại Na Uy. Đại diện tổ chức cho rằng: “Toàn bộ người tham gia lễ cưới sẽ tạo thành một đoàn biểu tình và tiếng nói chung của họ sẽ là đòn mạnh nhất giáng vào vấn nạn tảo hôn”.
Ngày cưới của cô bé Thea 12 tuổi đang được chính phủ Na Uy xem xét để chọn làm ngày Chống Tảo hôn Quốc gia.
Nguồn: Theo Co Create
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.