Thời điểm hai vợ chồng chuẩn bị làm đám cưới, trong khi những người khác thì tất bật lo chuyện tổ chức, lo cỗ bàn, còn Nam lại muốn “vỡ đầu” chỉ vì suy nghĩ mãi không ra việc cưới xong hai vợ chồng sẽ… ở đâu. Sở dĩ như vậy là bởi, ra ở riêng thì hai đứa chưa có điều kiện, mà ở nhà chồng thì quá chật chội, vì nhà thì nhỏ, mà ngoài bố mẹ Nam ra, còn vợ chồng, con cái của hai người anh trai Nam cũng đang sống ở đó. Vợ Nam vốn là con một, gia đình khá giả, nhà cửa khang trang rộng rãi, bố mẹ vợ lại tốt tính, rất yêu quý anh và cũng nhiều lần gợi ý về việc muốn Nam về ở rể, nhưng sợ lời ra tiếng vào, sợ bị gọi là “chó chui gầm chạn” nên anh vẫn còn lăn tăn mãi chưa đưa ra được quyết định.
Cưới xong rồi mà suy nghĩ còn chưa “thông”, Nam bảo vợ cứ tạm thời ở nhà nội đã, chật chội một chút thì cố gắng khắc phục rồi sau này sẽ tính tiếp. Thời gian đầu, mọi thứ vẫn ổn vì hai vợ chồng son, điều kiện sống thế nào cũng xong, hơn nữa cả hai cũng đi làm cả ngày, hôm nào cũng tận tối muộn mới về đến nhà nên hầu như không có gì bất tiện.
Tuy nhiên khi vợ Nam sinh con, và ở nhà nghỉ cữ thì đủ thứ chuyện phức tạp mới bắt đầu phát sinh. Đầu tiên là việc căn phòng của hai vợ chồng chưa đầy chục mét vuông, lại ở tận tầng 3 nóng như đổ lửa, khiến con Nam liên tục quấy khóc vì nóng bức, bí bách, khó chịu, còn nếu bật điều hòa cả ngày cả đêm thì còn mệt mỏi hơn nhiều vì con lại hết ho, đến sốt, rồi sổ mũi liên miên. Chưa hết, những mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu về chuyện sinh hoạt, chuyện chăm con liên tục nổ ra khiến Nam bị stress vì là “người ở giữa”, suốt ngày phải đóng vai phân giải cho hai bên. Từ những lý do trên, cộng với việc bố mẹ vợ liên tục vừa động viên, vừa thúc giục, Nam quyết định sẽ đưa vợ con về nhà ngoại sống, và mình thì chính thức gia nhập đội ngũ những anh chàng “ở rể”.
Thời gian đầu mới về sống cùng nhà vợ, Nam cũng suy nghĩ, lo lắng rất nhiều điều, nhưng chẳng bao lâu sau, anh lại cười rạng rỡ và bảo: “Biết… sướng thế này, có khi mình đã ở rể ngay từ lúc mới cưới luôn rồi”. Nếu như trước đây, anh cảm thấy rất sợ phải về nhà sau giờ làm việc, vì đón anh ở cửa kiểu gì cũng là gương mặt bí xị, lắm hôm còn nước mắt ngắn dài của vợ, đến tối thì hôm nào cũng bị mẹ gọi vào phòng cho một tràng “vợ mày thế này không được”, “vợ mày thế kia không ổn”, thì bây giờ, anh được sống trong không khí gia đình vui vẻ, bởi vợ anh ở với mẹ đẻ, dù sao mọi thứ cũng dễ dung hòa hơn rất nhiều. Hơn nữa, vì không còn ở cùng mà chỉ cuối tuần mới về chơi, nên với mẹ chồng, vợ anh cũng biết chịu nhịn, chịu xuống nước hơn, bà muốn gì, góp ý chăm cháu ra sao cũng đều lựa bà, chiều bà, bởi vậy mà nhà cửa cũng yên ổn hơn hẳn, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu không còn căng thẳng như trước nữa.
Trước đây khi ở với bố mẹ chồng, hàng tháng vợ chồng Nam cũng rất đau đầu trong việc góp tiền chợ búa, chi tiêu. Bởi, khi tham khảo ý kiến của bạn bè, ai cũng bảo nếu hai vợ chồng chỉ ăn cơm cùng buổi tối, thì thêm với bố mẹ khoảng 3 triệu/tháng đã là mức hợp lý rồi. Nhưng vì nhà có đến ba cô con dâu, nên mẹ Nam cứ so bì người nọ đưa từng này, với người kia đưa thế khác, rồi kết luận vợ anh là “loại kẹt xỉ” chỉ vì đưa ít tiền hơn các chị. Vậy là để không bị mang tiếng, số tiền phải đưa cho ông bà lúc nào cũng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi định mức ban đầu, tức là cũng gần hết luôn lương của hai vợ chồng trẻ, chẳng hi vọng gì đến chuyện tiết kiệm được chút ít vốn liếng nào sau này còn làm ăn, lo nhà cửa.
Nhưng khi ở nhà vợ, thì hai vợ chồng Nam lại không phải đóng góp bất cứ một khoản nào, thậm chí ông bà còn tuyên bố sẽ “nuôi con hộ”, tức là mọi chi phí liên quan đến cháu, ông bà sẽ lo cho từ a đến z. Nhiều lúc Nam thấy cũng ngại quá, muốn biếu ông bà chút ít thì lần nào cũng bị xua đi: “Tiền bạc bố mẹ dư dả, sau này cũng là của các con chứ của ai đâu. Lúc các con còn khó khăn, còn chưa ổn định thế này, sự giúp đỡ của bố mẹ mới có ý nghĩa. Nếu có tiền, hai vợ chồng cứ để ra mà tiết kiệm, khi cần đến còn có mà dùng”.
Nhắc đến những anh chàng ở rể mà bị nhà vợ coi thường, chịu cảnh “chó chui gầm chạn”, Nam bảo, có lẽ đó chỉ là quan niệm trước đây thôi, còn ở thời đại này, những gia đình muốn con về ở rể, thường là những nhà ít con cái, bố mẹ vợ muốn được sống cùng, được gần gũi con cháu nên rất trân trọng, chiều chuộng, đối xử rất tốt với con rể, chứ không bao giờ có chuyện khinh miệt hay coi thường gì cả. Tất nhiên trong cuộc sống cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn, những chuyện không hợp ý, chẳng hài lòng, nhưng ông bà không bao giờ để bụng, mà thường tìm cách nhỏ nhẹ góp ý luôn với con. Nam cũng chưa bao giờ cảm thấy tự ái về điều này, mà luôn sẵn sàng lắng nghe, sửa đổi, thậm chí vì coi như là bố mẹ mình, nên anh cũng không ngần ngại “góp ý ngược” hay thể hiện quan điểm của mình để bố mẹ vợ hiểu được. “Nhờ có vậy, việc ở rể với mình luôn thực sự thoải mái, dễ thở, và cũng chưa bao giờ gặp phải bất cứ áp lực nào cả”, anh chia sẻ thêm.
Thời gian gần đây, nghe theo lời khuyên của bố vợ, Nam còn quyết định xin nghỉ việc ở công ty, về làm quản lý cho chuỗi nhà hàng mà bố vợ mở ra. Mặc dù thời gian đầu, có rất nhiều lời ra tiếng vào chê Nam bất tài vô dụng, không làm được trò trống gì nên mới phải về “dựa hơi” bố vợ, nhưng bản thân anh nghĩ rằng, họ nói chán rồi sẽ thôi, mình chẳng việc gì phải để tâm, hay vì “sĩ diện hão” mà từ chối công việc tốt như vậy. Làm được một thời gian dài, tích lũy được kha khá kinh nghiệm, cộng thêm sự giúp đỡ về tài chính của bố vợ, Nam bắt đầu thử tách ra làm riêng. Kiên trì, nỗ lực của Nam cũng nhanh chóng được đền đáp khi giờ đây, anh đã trở thành ông chủ với thu nhập hàng tháng khiến rất nhiều bạn bè phải ghen tị.
Giờ đây, việc mua được nhà, ra ở riêng hoàn toàn nằm trong tầm tay của vợ chồng Nam, nhưng anh bảo, mình vẫn “kiên định” với việc ở rể thôi, bởi “lợi đủ đường” như thế, sao lại phải nghĩ đến chuyện ra ngoài làm gì cho mệt.
Nguồn: Theo Congluan
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.