Tại sao không phải ai cũng đẹp

Tại sao không phải ai cũng đẹp

Khi lựa chọn bạn đời hấp dẫn, các nàng đã nhanh chóng phát tán những gene “tốt nhất” đi khắp quần thể. Nhưng tại sao những khuôn mặt hay dáng hình xấu xí vẫn còn tồn tại đến ngày nay?

Không phải ai cũng có khuôn mặt lý tưởng như Brad Pitt hay cặp môi nồng nàn của Angelina. Rất nhiều người có gương mặt không thể “thương” được, song họ vẫn lập gia đình như bao người khác. “Đó là một câu hỏi lớn với sinh học tiến hoá”, trưởng nhóm nghiên cứu Marion Petrie từ Đại học Newcastle, cho biết.

Nghịch lý lek

Với một số loài, con cái lựa chọn những anh chàng quyến rũ nhất để giao phối: chẳng hạn công mái chỉ kết đôi với những gã có cái đuôi dài nhất. Sâu sa hơn, những nét hấp dẫn này thường là chỉ thị cho sự tương hợp gene nào đó, chẳng hạn khả năng kháng bệnh tật mà con non có thể thừa kế.

Tại sao không phải ai cũng đẹp

Angelina Jolie(Ảnh: cinemacomrapadura)

Theo phương pháp chọn lọc này, nếu con cái chỉ sinh sản với những con đực hấp dẫn nhất, thì sau đó tất cả các con đực sẽ có sức quyến rũ ngang nhau, và lựa chọn giới tính sẽ không diễn ra (trong trường hợp của công, tất cả các con đực sẽ có đuôi dài như nhau). Nhưng rõ ràng thực tế không phải như vậy, có những tài tử điện ảnh thì cũng có những anh gù, dù ở người, chim hay các động vật khác cũng vậy.

Điều này được gọi là “nghịch lý lek” (lek là một nhóm các con đực được tập hợp để giao phối), làm đau đầu các nhà sinh học tiến hoá từ nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, một nhóm nhà khoa học Anh cho biết họ đã tìm thấy câu trả lời cho nghịch lý này trong các “dụng cụ sửa chữa ADN” ở người.

“Dụng cụ sửa chữa ADN” thực chất là một chuỗi các quá trình phân tử nhằm khắc phục các hư hỏng trong ADN của tế bào. Trong những điều kiện thông thường, việc này sẽ dẫn đến những đột biến gene. Đột biến có thể có hại, khiến mô bị phân huỷ, mất chức năng hoặc phát triển thành khối u. Cũng có những đột biến có lợi.

Một vài đột biến lại ảnh hưởng đến chính quá trình sửa chữa này, và khiến nó trở nên kém hiệu quả, kết quả là ngày càng có nhiều đột biến hơn vì các hư hỏng không được chỉnh sửa. “Bạn có thể gia tăng hoặc làm giảm tốc độ đột biến của chính mình”, Petrie nói. Tốc độ đột biến càng lớn, thì quần thể càng đa dạng.

Sử dụng một mô hình máy tính, Petrie tìm thấy rằng đa dạng gene do kiểu đột biến nói trên càng lớn thì càng làm giảm đa dạng gene do lựa chọn giới tính gây ra.

Trong một số công trình trước đây, Petrie đã chỉ ra rằng những người đàn ông có phần gene kháng bệnh càng lớn thì càng được xem là hấp dẫn trong mắt phái đẹp. Vì những người đàn ông này dễ kết đôi hơn, họ sẽ truyền lại khả năng đó cho thế hệ sau, cho phép bớt câu nệ trong việc chọn bạn đời theo ngoại hình.

Vì sự “rộng rãi” này mà đuôi công có thể dài ngắn tuỳ ý và một số người trong chúng ta dứt khoát không thể đẹp như các ngôi sao hàng đầu của Mỹ.

T. An

 

Theo Livescience, Vnexpress