Tâm sự của cử nhân ra trường 3 năm vẫn lận đận làm công nhân điện tử

Tâm sự của cử nhân ra trường 3 năm vẫn lận đận làm công nhân điện tử

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại khá, những tưởng sẽ có một sự nghiệp sáng lạn. Ai ngờ, bôn ba suốt 2 năm trời, tôi vẫn không thể kiếm nổi cho mình một công việc tử tế. Lúc thì làm việc ở mấy công ty cò con với mức lương bèo bọt, đôi khi công ty còn nợ lương vài tháng không trả. Khi thì làm nhân viên kinh doanh, nhân viên chạy quảng cáo. Mức lương không đủ chi trả cho những chi tiêu tối thiểu nhất trong cuộc sống.

Nhìn bạn bè cùng lớp, đứa nào cũng có công ăn việc làm tử tế, tôi cảm thấy tự ti vô cùng. Những lần tụ tập họp lớp, hay những người bạn đầu tiên cưới hỏi tôi đều cố tình tránh mặt. Vì tôi biết những lúc như thế bạn bè sẽ râm ran với nhau những đề tài công việc rồi lương thưởng. Mà tôi, thì chẳng có gì để hùa vào những câu chuyện ấy.

Tâm sự của cử nhân ra trường 3 năm vẫn lận đận làm công nhân điện tử

Tâm sự của cử nhân ra trường 3 năm vẫn làm công nhân

Tôi bất tài đến thế ư, lực học của tôi ở lớp cũng đâu có thua kém bạn bè. Nhưng không hiểu sao, con đường sự nghiệp của tôi lại lận đận đến không lối thoát như thế. Không phải tôi tự ti bản thân mà cố tình dấu giếm gia đình, nhưng thật sự, tôi sợ mẹ tôi buồn, nên suốt hai năm tôi không dám nói cho mẹ tôi biết về những công việc vất vả mà mình đã từng phải làm ấy.

Chắc ít ai ngờ, một cử nhân như tôi lại chấp nhận đi làm những công việc mà nói ra có lẽ nhiều người cho là “hạ đẳng”. Tôi phải đi làm giúp việc cho một gia đình người Hà Nội với mức lương bèo bọt. Làm đủ thứ việc mà thậm chí từ bé đến lớn mẹ tôi không bao giờ để cho tôi phải động tay vào. Dù vất vả nhưng tôi vẫn cố, ít ra thu nhập cũng ổn hơn mấy công việc nhàng nhàng. Tôi chấp nhận khổ cực để chờ đợi cơ hội cho mình.

Bước sang năm thứ 2, cái khái niệm “thất nghiệp” ám ảnh tôi nhiều hơn. Cộng thêm áp lực từ gia đình. Bố tôi đau ốm liên miên, những món nợ vay cho tôi suốt 4 năm ăn học bắt đầu đến thời hạn trả. Rồi nghe bạn bè giới thiệu, tôi đến xin làm công nhân ở một công ty điện tử. Đến đây, tôi càng thấu hiểu thêm nỗi nhọc nhằn và tủi nhục. Không phải tôi là người duy nhất cất tấm bằng cử nhân để xin việc, mà có vô số các bậc anh chị, học những trường còn tốt hơn tôi rất nhiều cũng cùng chung cảnh ngộ. Áp lực công việc khiến tôi nhiều khi phải khóc, đến trong mơ, tôi vẫn chưa bao giờ tưởng tượng ra mình phải làm việc vất vả như thế. Phải đứng trường kỳ 12 tiếng đồng hồ để làm việc. Đến nỗi máu dồn xuống sưng phù cả  hai chân, mặt tôi xanh lét như tàu lá vì thiếu ánh sáng. Thời gian ấy, đồng hồ sinh học của tôi cũng phải thay đổi do tính chất công việc, tôi phải làm 12 tiếng buổi tối thay vì làm việc ban ngày. Lúc đầu, do không quen ngủ ngày, tối đến lại phải đi làm nên cảm thấy mệt mỏi vô cùng.

Vất vả là thế, nhưng đổi lại tôi có một mức thu nhập thỏa đáng. Một tháng lương tôi kiếm được ở đây phải bằng nửa năm tôi chật vật kiếm trước đó. Sau một năm làm việc, tôi có thể giúp mẹ lo thuốc thang cho bệnh tình của bố. Rồi những khoản nợ vay trước đó cũng được thanh toán. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, một năm làm việc không ngừng nghỉ, tôi già đi trông thấy. Nếu chỉ một năm trước đó, nhìn tôi trẻ hơn nhiều so với tuổi thật, thì giờ đây tôi giống như một 8X hơn là cái tuổi 9X của mình.

Hơn 1 năm sau khi làm công nhân, trải qua bao vất vả, cuối cùng tôi cũng đã có một công việc tạm gọi là ổn định. Hiện tại, tôi đang làm việc trong phòng nhân sự của một công ty nhà nước. Với nhiều người, có thể nó chỉ là một vị trí nhân viên văn phòng bình thường, nhưng với tôi thế đã là một thành công bước đầu. 

Tôi đã không cần phải tự ti mà tránh mặt trong mỗi kỳ họp lớp hay tụ tập bạn bè. Đã có thể tự tin ôm mẹ tôi mà nói “con sẽ tiếp tục cố gắng và tạo ra những cơ hội mới cho mình”. Trong cuộc sống, khi ta bước qua khó khăn ta mới biết trân trọng những cái tốt đẹp của hiện tại. Tôi biết ơn những tháng ngày đã qua và trân trọng những cái gì đang hiện hữu.

Hà Linh 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.