Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, phí môn bài đang thu theo Nghị định 75 từ năm 2002, nghị định này sửa đổi mức thu môn bài được quy định tại Pháp lệnh Thuế Công Thương nghiệp ban hành từ 1989, nội dung đã rất lạc hậu. Mức thu theo Nghị định 75, đối với tổ chức từ 1-3 triệu đồng tùy mức vốn đăng ký, đối với hộ từ 50.000 -1.000.000 đồng tùy mức thu nhập. Thứ trưởng Mai nói: “Nghị định 75 xây dựng năm 2002 căn cứ mức lương tối thiểu 290.000 đồng, nay mức lương tối thiểu là 1.150.000 đồng/tháng, đến tháng 5.2016 là 1.210.000 đồng”.
Dự kiến, Bộ Tài chính đề xuất đổi tên thuế môn bài thành lệ phí với mức thu với tổ chức từ 2.000.000 -10.000.000 đồng/năm và cá nhân từ 300.000 – 1.000.000 đồng/năm. Tùy theo doanh thu của hộ, doanh thu dưới 100 triệu/năm không phải nộp phí môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể. Nói về mức thu trên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết đã nâng khoảng 2 – 3 lần với đối tượng tổ chức nhưng với hộ kinh doanh, mức thu cao nhất vẫn giữ nguyên là 1 triệu đồng/năm. Ngoài ra, hộ kinh doanh có doanh thu 1 năm nếu dưới 100 triệu đồng thì cũng không phải nộp lệ phí môn bài.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu dự kiến từ thuế môn bài khoảng 2.685 tỉ đồng, bảo đảm tăng thu ngân sách nhà nước so với hiện hành. Khẳng định đề xuất này không xuất phát từ sự khó khăn của ngân sách, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhận xét, việc điều chỉnh để phù hợp với tình hình kinh doanh trong suốt 14 năm qua. “Toàn bộ lệ phí môn bài dùng để cân đối ngân sách địa phương, nên không phải vì ngân sách căng thẳng mà đề xuất tăng” – bà Mai nói.
Tuy nhiên, việc tăng phí môn bài và sắp tới có thể tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu làm dấy lên lo ngại khi ngân sách khó khăn thì Nhà nước tính ngay tới chuyện tăng thuế, phí. Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế phí sẽ ảnh hưởng không tốt đến doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định lớn bắt đầu vào giai đoạn thực thi. Doanh nghiệp Việt Nam cần có khoản hỗ trợ để tăng khả năng cạnh tranh trong giai đoạn sẽ rất khốc liệt sắp tới. Bởi vậy, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là phải quyết liệt tìm cách giảm chi chứ không phải tăng thu, nhất là các nguồn thu liên quan khả năng cạnh tranh của hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Nguồn: Theo Laodong
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.