Chị Ngô Thị Hiền (Thường Tín – Hà Nội) cho biết: “Con tôi được 6 tháng tuổi. Thường thì cháu đi tiêu 1 – 2 ngày/lần. Nhưng gần đây hơn 3 ngày mới thấy cháu đi, phân cháu lại vón cục. Tôi đã phải vội vàng đưa cháu đi khám thì mới biết cháu bị táo bón”.
Cũng trong trường hợp của chị Trần Thị Lài (Ba Đình – Hà Nội) có con trai là Quốc Anh, 8 tháng tuổi cũng vừa bị táo bón. Chị Lài cho biết, con chị thường hay khóc sau khi ăn, tăng cân chậm và kén ăn. Chị đã vô cùng lo lắng và phải đưa con trai mình đi khám và biết được bé bị táo bón.
Bé thường hay khóc, chậm lớn, kén ăn… cũng có thể bé đang bị táo bón. Ảnh minh họa.
Triệu chứng táo bón ở trẻ có nhiều biểu hiện khác nhau, vì thế các mẹ thường chủ quan trong việc đưa bé đi khám. Điều này cũng khiến trẻ chậm lớn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ
Theo bác sỹ nhi Nguyễn Hường cho biết, trường hợp bé đang uống sữa, hiện tượng táo bón có thể xảy ra do cách pha chế không đúng. Sữa pha quá đặc hoặc quá loãng cũng là nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ.
Bé lười ăn, lượng dinh dưỡng trong thức ăn không cung cấp đủ cho cơ thể. Hoặc cha mẹ không biết cho bé ăn một cách khoa học, thừa chất này và thiếu chất kia khiến hệ tiêu hóa là việc không tốt.
Việc bé quên đi vệ sinh vì mãi chơi cũng gây ra bệnh táo bón ở trẻ.
Ngoài ra, còn do việc bé thường xuyên dùng thuốc kháng sinh và thiếu nước. Chế độ dinh dưỡng cho bé thiếu chất xơ, một trong những chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ tiêu hóa.
Cách phòng ngừa bệnh táo bón ở trẻ
Vào thời điểm bố mẹ bắt đầu cho con đi tiêu bằng bô. Thì cũng là lúc bố mẹ nên dạy con giờ đi tiêu, để tránh trường hợp bé quên. Còn đối với trường hợp bé ít thang tuổi thì bố mẹ nên cho cháu đi vệ sinh thường xuyên bằng cách kích thích bé đi tiêu như xì hơi bằng miệng, bế cháu co người xuống bằng hai tay,..
Cần tập cho bé đi tiêu bằng bô và đúng giờ. Ảnh minh họa.
Đối với những bé đã lớn và đi học, bố mẹ cần theo dõi phân của bé để biết tình trạng tiêu hóa của bé. Ngoài ra, cần nhắc nhở bé rằng, khi có biểu hiện lạ về sức khỏe cần nói lại ngay với bố mẹ, để được kiểm tra sức khỏe và điều trị kịp thời.
Về chế độ dinh dưỡng, bố mẹ cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, tránh trường hợp thừa chất này nhưng lại thiếu chất kia. Đặc biệt cần bổ sung chất xơ và nước cho bé hàng ngày. Khi pha sữa bột cho bé, cần phải pha đúng tỉ lệ, không pha đặc hoặc pha quá loãng vì nếu để trẻ uống trong một thời gian dài sẽ gây ra táo bón.
Cách điều trị tại nhà cho bé bị táo bón
Với trẻ từ 4 tháng tuổi trở xuống, cha mẹ có thể cho bé uống một số loại nước trái cây để điều trị táo bón như mận, táo, lê (những loại nước trái cây khác không hiệu quả bằng). Khi bé 4-8 tháng tuổi, bé có thể uống 6-120 ml nước trái cây nguyên chất mỗi ngày, bé 8-12 tháng tuổi có thể cho đến 180 ml một ngày.
Nếu bé bắt đầu ăn thức ăn đặc, cha mẹ có thể dùng bột ngũ cốc lúa mạch thay cho bột ngũ cốc gạo. Ngoài ra cung cấp các chất xơ cần thiết cho bé như khoai lang, lê, mận, đào, đậu, đậu Hà Lan, bông cải, hoặc cải bó xôi. Đặc biệt, bố mẹ cần kích thích bé ăn nhiều rau bằng cách chế biến nhiều món ăn hấp dẫn.
Bố mẹ không cần thiết phải cho bé uống nhiều nước để điều trị táo bón. Đối với bé trên một tuổi, đủ nước được lấy mốc là 960 ml chất lỏng (nước chín hoặc các loại nước khác không phải sữa) trong một ngày. Nếu bé không khát thì không cần thiết hoặc không có lợi ích gì để uống nhiều hơn lượng nước này.
Sử dụng thuốc trị táo bón cho trẻ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Nhẹ nhàng massage bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ, di chuyển tay từ trung tâm rốn ra ngoài theo chuyển động tròn.
Với trường hợp táo bón do nứt hậu môn cần rửa sạch hậu môn, bôi dung dịch natri bạc 2%.
Khi điều trị bằng chế độ ăn không khỏi thì mới nên sử dụng tới dược phẩm như dùng thuốc và thụt tháo theo chỉ dẫn của bác sĩ. Như cho trẻ uống dầu Parafin vào buổi sáng, các loại thuốc có chứa magie sunphát có tác dụng nhuận tràng hay các loại thuốc có chứa vi khuẩn sống dưới dạng đông khô như: cốm vi sinh (Biobaby); Biosyptin, lactomin, lactylac, biofidin… làm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
Thụt tháo là biện pháp cuối cùng có thể dùng nước ấm có pha Glyxerin hoặc mật ong: 30-40ml đối với trẻ dưới 1 tuổi và 100-250 ml đối với trẻ trên một tuổi. Tuy nhiên nếu dùng kéo dài có thể gây giãn trực tràng và đại tràng sichma tạo thành thói quen nếu không thụt tháo trẻ không tự đi ngoài được.
Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay có nhiều loại men vi sinh kích thích tiêu hóa, giúp trẻ lớn nhanh được bán trên thị trường. Bố mẹ cần tham khảo kỹ để sử dụng cho trẻ.
Khi trẻ có biểu hiện của bệnh táo bón, cần được đưa đến các trung tâm y tế để bác sỹ khám và đưa ra phác đồ điều trị.
Vũ Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.