Quốc gia Đông Nam Á là một trong những nước liên tục thất bại trong việc giải quyết tình hình buôn bán ngà voi tràn lan, bất chấp quy định cấm buôn bán ngà voi của Công ước CITES.
>>> Nạn giết voi châu Phi vượt khỏi tầm kiểm soát
Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) và Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (TRAFFIC) đang kêu gọi chính phủ 177 nước thành viên của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tập trung tại Bangkok, Thái Lan đầu tháng tới. Mục đích của việc này là để bắt đầu thực hiện thủ tục chính thức cho việc áp dụng lệnh giới hạn thương mại với quốc gia vi phạm nghiêm trọng nhất việc buôn bán ngà voi bất hợp pháp.
Thông báo phát đi hôm 25/2 của WWF cho thấy, Thái Lan, Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) liên tục thất bại trong việc giải quyết tình hình buôn bán ngà voi tràn lan trong nước, bất chấp quy định cấm buôn bán ngà voi của CITES. Quy định này có hiệu lực cao hơn việc không quy định cấm bán ngà voi của quốc gia. Theo hiệp ước, các nước thành viên của CITES có thể đề nghị các bên ngừng buôn bán 35.000 loài động thực được vật liệt kê trong công ước, từ gỗ tới da cá sấu với các quốc gia không tuân thủ quy định.
Những con voi ăn mía trong một trang trại ở tỉnh Ayutthaya ở miền trung Thái Lan. (Ảnh: AP)
Ông Steven Broad, Giám đốc điều hành TRAFFIC cho biết, trong tất cả phân tích về nạn buôn bán ngà voi thập kỷ qua, đây là các quốc gia có liên quan nhiều nhất trong việc buôn bán ngà voi trái phép. “Nhu cầu về ngà voi tăng cao khiến nạn săn trộm ngày càng trở nên phổ biến, do đó các quốc gia thành viên của CITES cần phải yêu cầu sự tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế”, Steven Broad nói.
Nước chủ nhà của hội nghị CITES lần này là Thái Lan, một trong những thị trường ngà voi chưa được quy định kiểm soát lớn nhất thế giới. Tại đây, bọn tội phạm lợi dụng luật pháp Thái Lan cho phép việc bán ngà voi nội địa để trà trộn một lượng lớn ngà voi bất hợp pháp từ châu Phi qua các cửa hàng tại Thái Lan. Phần lớn lượng ngà voi này do du khách nước ngoài mua.
Theo ông Carlos Drews, Giám đốc Chương trình Các loài sinh vật toàn cầu của WWF, Thái Lan có thể dễ dàng khắc phục tình trạng trên bằng cách cấm toàn bộ hoạt động kinh doanh ngà voi trong nước và như vậy sẽ không cần thiết phải áp đặt các lệnh trừng phạt về thương mại.
WWF đang kiến nghị Thủ tướng Thái Lan ban hành lệnh cấm ngay lập tức việc buôn bán ngà voi. Gần 400.000 người dân tại Thái Lan và toàn thế giới tham gia cuộc kêu gọi với mong muốn đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho loài voi hoang dã.
Theo ông Drews, tại nhiều nơi ở châu Phi, loài voi đang dần biến mất do việc buôn bán ngà voi vượt ngoài tầm kiểm soát. Mỗi quốc gia ký kết hiệp ước CITES có nhiệm vụ bảo vệ loài voi bằng việc yêu cầu chính phủ các nước thành viên phải có trách nhiệm về những liên lụy của mình với với tệ nạn buôn bán hủy diệt này.
Ngoài ra, WWF và TRAFFIC cho biết, một số biện pháp mọi quốc gia có thể áp dụng nhằm giải quyết vấn đề săn trộm voi, bao gồm thành lập cơ chế theo dõi các kho dự trữ ngà voi toàn cầu, yêu cầu đăng ký bắt buộc đối với những vụ bắt giữ ngà voi trên quy mô lớn, thực hiện giám định pháp y thường xuyên và bám sát các cuộc hợp tác điều tra của các lực lượng chức năng trên khắp các châu lục.
Theo ông Broad, các thông tin quan trọng về các vụ bắt giữ ngà voi trên quy mô lớn đang bị thất lạc hoặc không được giải quyết.
“Việc điều tra ai đứng đằng sau mỗi chuyến hàng, làm thế nào đưa nó lên phương tiện vận chuyển, hay ai được hưởng lợi từ các chuyến hàng đến đều không được biết và can thiệp. Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên là nạn buôn lậu ngà voi ngày càng tăng tới mức báo động”, ông Broad nói.
Theo VNE