Thanh niên Việt chưa biết kiếm tiền từ thời sinh viên là kém cỏi!

0
125
Nếu đem so sánh mức độ tự lập của thanh niên Việt Nam với thanh niên Mỹ, tôi nghĩ con số đó có thể chênh lệch 5 lần. Ví dụ, nếu khi trẻ em Mỹ biết cách kiếm tiền qua trò chơi đổi kẹo từ năm 5 tuổi, thì phải đến năm 25 tuổi, thanh niên – những đứa trẻ to xác ở Việt Nam mới nghĩ tới việc chung vốn mở một siêu thị mini trong lúc chưa tìm được việc làm. Bạn có thể cảm thấy bình thường khi có nơi ăn, chốn ở và có công việc đủ sống năm 25 tuổi khi ở Việt Nam, nhưng nếu xét về tư duy thì bạn nên biết xấu hổ. Vì nếu bạn có tính tự lập kiếm tiền ngay từ khi bạn học tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, bạn có thể kiếm được ít nhất được khoảng 70 triệu VND trong 4 năm học đại học với mức lương làm thêm trung bình 1,5 triệu/tháng. Hơn nữa, các công việc làm thêm sẽ đem đến cho bạn nhiều cơ hội việc làm mới và giúp bạn thoát khỏi tình trạng thất nghiệp hay làm đủ tiền thuê nhà hàng tháng. Trong khi đó, nhiều CEO nổi tiếng thế giới lại thành đạt với những xuất phát điểm thấp. Ví dụ, Michael Dell, nhà sáng lập và giám đốc điều hành tập đoàn máy tính Dell khởi nghiệp với nghề rửa bát, Indra Krishnamurthy Nooyi, CEO của công ty PepsiCo đã từng làm thêm công việc nhân viên lễ tân khi học đại học và Marissa Mayer, Chủ tịch và Tổng giám đốc tập đoàn Internet Yahoo! khởi nghiệp là nhân viên bán hàng tạp hóa. Vậy thanh niên Việt Nam đã làm gì khi học đại học? Họ vẫn trở thành những chủ doanh nghiệp, họ vẫn thăng tiến, nhưng sao lại bảo họ kém cỏi? Họ kém cỏi bởi vì họ không có tư duy kiếm tiền sớm.
Thanh niên Việt chưa biết kiếm tiền từ thời sinh viên là kém cỏi!
Tư duy được hình thành khi những đứa trẻ học tập trong nhà trường. Nếu nhà trường dạy trẻ biết cách tự lập sớm, chúng sẽ có cơ hội phát triển hết năng lực của chúng mà không phải phụ thuộc vào gia đình và xã hội. Ngược lại, tư duy tự mãn, cam chịu, lười biếng chỉ làm thui chột tài năng của cả một thế hệ.
Sinh viên Việt Nam bước vào cánh cửa đại học là gánh cả núi tiền của bố mẹ mang đi, và họ nghĩ đó là điều hiển nhiên. Vì bố mẹ nào chả phải nuôi con ăn học. Trong khi đó, ở Đức, Phần Lan, học phí đại học được miễn phí hoặc sinh viên Mỹ phải tự vay tiền đóng học phí và tự trả nợ cho mình, chứ không phải bố mẹ đứng ra trả nợ cho con. Liệu có phải cái tiền đề “bố mẹ nào chả phải nuôi con ăn học” đã khiến phần lớn sinh viên Việt Nam quá phụ thuộc tài chính vào phụ huynh. Các em quên mất rằng 18 tuổi là tuổi trưởng thành, đủ để chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm pháp luật. 
Trong một lần đi công tác tôi có nghe được một câu chuyện của một đôi bạn trẻ. Hai bạn gặp nhau trên xe khách về quê. Bạn gái đã đi làm hỏi bạn trai sao lại về nhà vào giữa tuần và bạn trai đã cười nói: “Hết tiền rồi thì xin u thôi”. Sau khi theo dõi câu chuyện của họ thì tôi biết, bạn trai học muộn nên vẫn đang là sinh viên năm cuối của một trường xây dựng, còn cô bạn gái là người đã đi làm và đi công tác nên họ gặp nhau. Bạn trai kia bảo học ngành xây dựng ra trường bây giờ thất nghiệp đầy, đi làm công trình lương cũng đủ sống thôi. Mà giờ đang nghỉ thi, ở phòng cũng chỉ chơi game. Hết tiền thì tranh thủ về chơi và xin tiền mẹ. Thế mới biết, các ông bố bà mẹ Việt Nam thật là những ông bố bà mẹ “vĩ đại”. Họ nuôi con đến hơn 20 năm cuộc đời, và còn phải nghĩ mình còn có trách nhiệm mua xe cho con khi nó đi học đại học, lo chạy việc cho con đi làm, lo dựng vợ gả chồng cho con, lo chăm cháu cho con nữa…vậy là cha mẹ lo hết cuộc đời của con. Nghiễm nhiên, những đứa con dù ở độ tuổi cằm có râu hay cằm chưa có râu thì chúng vẫn là những “thằng cu, cái bé” trong mắt bố mẹ. 
Thanh niên Việt chưa biết kiếm tiền từ thời sinh viên là kém cỏi!
 Nghĩ lại lúc tôi là sinh viên, tôi chỉ muốn đi làm thêm và đi tình nguyện vì tôi muốn mình là một sinh viên năng động. Bố mẹ tôi cũng không muốn tôi đi làm thêm vì nghĩ tôi là sinh viên năm thứ nhất ra ngoài bị người ta lừa, kiếm chẳng được bao nhiều tiền và ảnh hưởng đến học hành nữa. Nhưng tôi vẫn đi làm thêm ngay từ năm thứ nhất cho đến tận khi ra trường. Công việc làm thêm đầu tiên của tôi là gia sư luyện chữ đẹp cho một em bé học tiểu học. Quả thực, các công việc làm thêm khiến tôi trở thành một người năng động như tôi mơ ước, tôi lại có thêm nhiều bạn bè và các mối quan hệ khác nhau. Tôi cũng hiểu được xã hội này thật phức tạp. Kiếm tiền thật khó, cách tiêu tiền của mọi người là khác nhau và nhiều bố mẹ muốn con đi làm thêm cũng vì những lý do khác nhau.
Ngày tôi còn là sinh viên, tôi đến nhà bạn chơi và được biết một câu chuyện thế này. Tôi thấy 2 người đàn ông đang ngồi xem bóng đá và cổ vũ rất lớn. Tôi hỏi đó là ai, bạn tôi nói đó là 2 bố con bác chủ nhà. Em trai đó nhìn cao lớn bằng bố. Nếu bạn tôi không nói họ là bố con thì tôi nghĩ đó là 2 người bạn. Em trai đang là sinh viên năm thứ nhất đại học. Đêm nào nó cũng “tè tiên” từ tầng 2 xuống lối đi xuống sân nên sân mọc đầy rêu. Quả thật, nó không kể câu chuyện đó thì tôi không biết là nước tiểu lại là dinh dưỡng cho rêu phát triển. Tiếp đó, nó kể chuyện em trai sinh viên đó hay cá cược, bác chủ mới trả nợ cho nó 30 triệu. Nó mới đi làm thêm, nhưng đi làm thêm chẳng qua là bố bắt đi làm ở chỗ quen biết để có người kiểm soát và bỏ cá cược. 
Chưa hết! Các sinh viên nữ cũng làm khổ các ông bố bà mẹ Việt nhiều lắm. Trường hợp chị dâu của bạn tôi là một ví dụ. Mọi chuyện là chị ấy yêu anh trai của bạn tôi rồi hai người “ăn cơm trước kẻng” và tính cưới khi chị ấy đang là sinh viên năm thứ 3. Vậy là đang đi học chị phải bảo lưu kết quả để lấy chồng và sinh con. Học phí đại học tạm thời mẹ chị ấy không phải đóng cho con, nhưng nuôi con nhỏ thì lại phải tốn tiền sữa, tiền bỉm. Tiền ở đâu ra? Lại về nhà bố mẹ đẻ thôi. Chồng chị cũng chỉ là nhân viên công ty bình thường, chỉ đủ tiền nuôi mình, nuôi vợ. Giờ sinh con về nhà mẹ đẻ, chẳng lẽ lại xin tiền mẹ chồng? Thế là mẹ đẻ lại nuôi bà mẹ sinh viên trẻ và cháu nhỏ. Chuyện thật mà như đùa. Chẳng biết chị dâu của bạn tôi là giỏi hay kém cỏi nữa vì chị ấy vừa có thể làm sinh viên và vừa được làm mẹ trong cùng một lúc. 
Thanh niên Việt chưa biết kiếm tiền từ thời sinh viên là kém cỏi!
Kết: Những câu chuyện trên không của riêng ai. Đó là thực trạng của rất nhiều sinh viên Việt Nam không thể chèo lái cuộc đời mình và phải phụ thuộc tài chính vào gia đình và xã hội. Hệ lụy của họ là gánh nặng của quốc gia và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Như thế không phải là những người kém cỏi đang làm cho đất nước thụt lùi đi sao? Thanh niên Việt Nam cũng giàu ước mơ và hoài bão như thế hệ trẻ toàn thế giới, vậy tại sao các em không thay đổi tư duy “bố mẹ nào chả phải nuôi con ăn học” ngay hôm nay để tự lập sớm hơn và thành công nhanh hơn?
Xem thêm:
Cách tiết kiệm tiền
Nguyễn Mai

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.