Bất cứ lúc nào, khi đi học, đi học về, lúc đi chơi, được điểm cao hay vừa khóc nhè,… trẻ con luôn được mẹ “dỗ dành” bằng những món ăn vặt đã trở nên quen thuộc hơn cả bữa cơm hàng ngày: xúc xích rán, kem, bim bim (snack), phô-mai que, cá viên chiên, nem chua rán, hamberger… đến mức, có bé khóc đến đỏ mắt hay nhất định không chịu đi học nếu mẹ chưa mua cho mấy món đồ vặt đó – những thức ăn mà chẳng hề đem lại lợi ích gì ngoài những nguy cơ gây hại không nhỏ cho sức khỏe của con. Ái ngại đến mức, có những đứa trẻ cả ngày trên tay phải “kè kè” gói bim bim, thậm chí có mẹ cứ đút cho con 1 miếng cơm lại phải kèm 1 miếng bim bim mới chịu ăn, rồi có những đứa trẻ uống nước ngọt thay cả nước lọc…
Và dù, hàng tá tài liệu đã chứng minh rằng những thứ như xúc xích, bim bim hay nước ngọt chẳng “bổ béo” gì ngoài hàm lượng muối, đường, chất béo quá cao cùng những yếu tố cực hại, chẳng hạn như acrylamide có trong bim bim làm tăng nguy cơ ung thư thận, chất nitrit trong xúc xích có thể kết hợp với các amin trong thịt trong quá trình chế biến, hoặc kết hợp với các amin trong dạ dày tạo nên hợp chất N-nitroso. Đây là hợp chất có khả năng gây ung thư dạ dày, não, khoang miệng, bàng quang, thực quản và tuyến tụy. Mẹ có biết rằng, chỉ ăn 1 cái xúc xích mỗi ngày cũng có thể tăng 20% nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy? Rồi nguy cơ béo phì, tiểu đường,… với hàng tá hệ lụy mà chúng ta đôi khi không thể kiểm soát được.
Vậy đấy, thói quen ăn uống vô tội vạ, chiều con “không phải lối” chẳng khác nào hại con; nhưng tại sao nó chẳng bao giờ có thể chấm dứt? Những bà mẹ chiều con quá mức kia, đâu phải là những người không thể tiếp cận với thông tin mỗi ngày. Phải chăng vẫn là tâm lý chủ quan: “Ôi dào, ăn có ít thì việc gì, ăn nhiều mới hại” hay “không mua cho con, nó khóc cả buổi ai mà chịu được!”, “báo chí cứ làm quá lên chứ đã thấy đứa trẻ nào chết vì uống nước ngọt, ăn bim bim đâu?”, “trẻ con đứa nào chả thích ăn vặt”,… Hàng tá lý do “hợp lý” được đưa ra như vậy, nhiều mẹ nghiễm nhiên coi chuyện “độc hại” là “chuyện nhà người ta”, dường như chẳng liên quan đến con cái mình. Vậy là kệ, “thôi thì thà cho nó ăn bim bim với cơm, còn hơn là nó không chịu ăn thì còn lo hơn!”. Chính những tư tưởng ấy là một trong những nguyên nhân khiến bệnh tiểu đường ở Việt Nam tuy không cao nhất thế giới, nhưng đang tăng chóng mặt. Và khi thế giới đang tìm mọi cách để ngăn ngừa nó, thì nhiều bà mẹ Việt vẫn vô tư chiều con với những món đồ ngọt, béo ngấy mỗi ngày.
Trong khi những bà mẹ “Tây” luôn tìm cách chế biến những món “bim bim lành mạnh” từ rau củ, tính toán chế độ ăn khoa học cho con hay thậm chí “cắt giảm” thực đơn hàng ngày của trẻ có nguy cơ thừa cân, thì nhiều mẹ Việt lại mặc định rằng “đứa trẻ nào chả thích ăn đồ ngọt”, “nó ăn được lại bắt nó ‘hãm’ lại là có tội đấy!”; phải, bao nhiêu mẹ có con thừa cân, béo phì mà đủ can đảm cắt bớt khẩu phần của con mỗi ngày? Thương con như thế, có khác nào hại con không?
Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát chế độ ăn của trẻ, tạo cho chúng thói quen ăn uống lành mạnh mà vẫn vui vẻ, thì tại sao lại thờ ơ trước những nguy cơ có thể xảy ra với con mình? Tác hại có thể không ập đến ngay lập tức, có thể khi ăn xúc xích, uống nước ngọt xong con “chẳng làm sao”, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn, lâu dài, “ngấm ngầm” phá hoại sức khỏe của con về lâu về dài thì thật khó mà nói trước được.
Vậy thì tại sao ngay từ bây giờ, mẹ không tập cho bé những thói quen ăn uống lành mạnh hơn từ trái cây, rau củ, chút hạt khô rang thay cho những món vừa ngọt, vừa béo ngấy? Không phải trẻ con sinh ra đã thích ăn ngọt (sữa mẹ vốn nhạt mà, nhưng bé vẫn bú rất ngon lành đó thôi). Sở thích ăn ngọt thực chất là do thói quen được hình thành từ những nuông chiều của ông bà, bố mẹ với suy nghĩ “đồ ngọt là ngon, trẻ con thích ngọt,…”. Trong khi thực tế là, 1 đứa trẻ khi bắt đầu làm quen với thực phẩm chẳng thế nào phân biệt được mùi vị nào ngon hơn, nếu cha mẹ cho ăn nhiều đồ ngọt, trẻ sẽ quen với vị đó và khi ăn nhạt hơn, bé sẽ không thích nữa mà thôi. Thế nên cách tốt nhất là tạo cho trẻ thói quen ăn nhạt càng sớm càng tốt, hạn chế các loại bánh kẹo, nước ngọt, kèm chè, sữa có đường,… Chắc hẳn khi lớn lên, chúng sẽ chẳng mê đồ ngọt nhiều đến vậy.
Và mẹ nhé, nhớ dành thời gian cho con nhiều hơn, “thủ thỉ” với con rằng thực ra xúc xích hay bim bim chẳng hề tốt, những em bé ngoan sẽ ăn nhiều trái cây, ăn cả rau và thịt trong bữa cơm thay vì chỉ ăn một loại thức ăn duy nhất, rằng rau củ cũng ngon lắm đấy,… Bé sẽ lớn lên khỏe mạnh với những thói quen lành mạnh.
Nguyệt Nga
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.