Thuận tay trái, bé vẫn giỏi như ai!

Con tôi năm nay vào lớp 1, đây là “dấu mốc” thực sự quan trọng với cháu cũng như cả gia đình. Nhưng, nếu như trước khi đi học con rất hào hứng thì bây giờ nhắc đến chuyện học hành, thằng bé lại tỏ ra sợ hãi và không chịu hợp tác. Lúc đầu, cả nhà tôi cứ nghĩ cháu chưa quen với môi trường học tập mới nên như vậy. Cho đến một hôm khi đi học về, thấy con có vết thước in hằn trên mu tay tôi mới lo lắng gặng hỏi, vì tưởng con ở lớp đánh nhau, gây gổ với bạn bè. Nhưng hóa ra, vết thước ấy lại chính là do cô giáo của con gây ra. Chẳng là con tôi thuận tay trái từ bé, vì vậy bây giờ cháu rất khó khăn khi cầm bút bằng tay phải. Thế là con bị cô dùng thước đánh mạnh vào tay để nhớ, lần sau không được viết tay trái nữa.

Tôi thật sự bất ngờ và bức xúc, vừa thương con lại vừa giận cô lắm. Chẳng phải vì tôi là mẹ nên bênh vực con mình, nhưng viết tay trái thì có gì sai? Con tôi thuận tay trái cũng đâu có ảnh hưởng đến việc cháu tiếp thu kiến thức? Vậy tại sao nhất định phải rèn cháu viết bằng tay phải làm gì???

Từ bé, khi phát hiện cháu thuận tay trái tôi đã không hề có ý định rèn cho cháu sử dụng tay phải. Tôi nghĩ đơn giản đó là bản năng từ khi sinh ra, cũng giống việc chúng ta thuận tay phải. Bây giờ nếu bắt chúng ta viết bằng tay trái liệu có thoải mái, dễ chịu không? Chẳng phải tôi không biết rằng người thuận tay trái sẽ gặp nhiều khó khăn hơn một chút khi sử dụng một số đồ dùng sinh hoạt như: dao, kéo,… rồi khi dùng đũa sẽ vướng vào người thuận tay phải bên cạnh, khi đi học thì sẽ vướng bút vào nhau,… Nhưng thực sự, tôi thấy đó đâu phải là vấn đề lớn lao không thể khắc phục. Các thầy cô nhất nhất muốn rèn cháu sử dụng tay phải để làm gì? Sử dụng tay phải liệu có giúp những đứa trẻ thuận tay trái thông minh hơn, ngoan ngoãn hơn?

Người thuận tay bên trái thường là những người có khả năng sáng tạo và khéo léo. Và rất nhiều người thuận tay trái vẫn thành công trong cuộc sống đấy thôi! (Ảnh minh họa)

Từ khi còn trong bào thai, trẻ đã có thói quen sử dụng tay thuận để gần miệng mà qua siêu âm có thể thấy được thói quen này. Và cũng do nội tiết của người mẹ ảnh hưởng đến thói quen đó, như vậy, dù cố gắng thay đổi cũng chỉ thay đổi được thói quen viết, cầm đũa tay trái mà thôi, còn cơ bản mọi hoạt động khác họ vẫn sử dụng tay trái như bình thường.

Người ta vẫn luôn quan niệm “phải” tức là đúng, là đồng ý, đi bên phải đường, làm theo lẽ phải, còn “trái” tức là sai, là phạm luật. Nhưng nó khác hoàn toàn với người thuận tay trái, chân trái. Đấy là thói quen hoàn toàn vô hại, nhưng lại bị coi như một điều trái với quy luật tự nhiên. Và một đứa trẻ khi đi học nếu thuận tay trái sẽ phải rèn lại rất vất vả để sử dụng thành thạo tay phải, mặc dù nó không giải quyết được vấn đề chính là học tốt, thậm chí mất thêm thời gian để làm cái việc “đúng quy luật” theo sự mong muốn của người lớn. Vậy việc viết tay phải đem lại lợi ích gì cho người thuận tay trái không, hay chỉ để thuận mắt?

Tôi vẫn hay nói vui rằng, tôi thích để con viết tay trái như sở trường của con, và giống Tổng thống Mỹ Obama – ông ấy cũng là người viết tay trái mà. Và hơn hết, người thuận tay bên trái thường là những người có khả năng sáng tạo và khéo léo, tỉ lệ người thành đạt thuận tay trái cũng đang tăng. Tôi không có ý rằng con tôi hay những người thuận tay trái đều sẽ trở thành “kiệt xuất” như vậy, nhưng tôi thật sự muốn cháu được tự do phát triển theo đúng bản năng sinh ra đã tồn tại đến bây giờ. “Hãy để việc học thật sự thoải mái, hãy để con mình được phát huy hết khả năng sáng tạo với bàn tay trái, sẽ có nhiều bất ngờ đó” – tôi luôn tin vậy.

Mèo Hoa

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.