Thực hư chất gây ung thư có trong bột ăn dặm trẻ em và đồ chiên

Chỉ thu hồi bột ăn dặm có chứa chất gây ung thư ở thị trường Trung Quốc

Gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh chia sẻ bài viết liên quan đến việc Cơ quan An toàn thực châu Âu (EFSA) phát hiện chất gây ung thư có chứa trong khoai tây chiên và thức ăn dặm cho trẻ em.

Trong bài viết “Phát hiện chất gây ung thư trong bánh, bột ăn dặm của trẻ em” đăng trên báo Giáo dục Việt Nam có thông tin: “Chất acrylamide gây ung thư có trong bánh gạo táo Organix, bánh ăn dặm lúa mì Sunny và bột ăn dặm ngũ cốc chuối Heinz, khoai tây chiên giòn, ngũ cốc, một số sản phẩm khoai tây đông lạnh”. Bài báo cũng cung cấp thông tin: “Hãng Heinz tuyên bố sẽ dừng bán sản phẩm trên”. Thông tin này khiến nhiều người tiêu dùng hiểu nhầm tất cả sản phẩm của Heinz đều chứa chất gây ung thư.

Tuy nhiên, theo thông tin trong bài viết “Bột ngũ cốc Heinz bị thu hồi tại Trung Quốc” đăng trên vtv.vn thì hãng Heinz chỉ thu hồi sản phẩm bán trên thị trường Trung Quốc.

Cụ thể vtv.vn đưa tin: “Công ty Heinz tuyên bố thu hồi toàn bộ 1472 sản phẩm đang được bán trên kệ và hủy 153 sản phẩm đã được đóng gói trong kho ở phía Nam tỉnh Quảng Châu. Người phát ngôn của Heinz đã chính thức gửi lời xin lỗi về sự bất tiện này tới khách hàng và thông báo sẽ bồi thường đầy đủ đối với bất kỳ khách hàng nào đã mua phải những sản phẩm được liệt kê trong diện thu hồi đợt này”.

Bột ăn dặm bán trên thị trường Việt Nam không có chất gây ung thư

Tiến hành khảo sát tại một số cửa hàng bán bánh và đồ ăn dặm cho trẻ em quận Bình Thạnh, Quận 1, Quận Phú Nhuận, người bán đều khẳng định không bán những sản phẩm bánh gạo táo Organix, bánh ăn dặm lúa mì Sunny. 

Nhiều cửa hàng khẳng định không có bán bánh gạo táo Organix, bánh ăn dặm lúa mì Sunny.

Tại một cửa hàng tại trung tâm thương mại tại quận 1, bột ăn dặm ngũ cốc chuối Heinz được bày bán trên nhiều kệ hàng với giá hơn 90 nghìn đồng/1 hộp 120g. Theo nhân viên bán hàng Thanh Trúc thì đây là sản phẩm nhập khẩu từ Anh do Công ty Cổ phần Quảng Xuân phân phối.

Liên hệ với Công ty Cổ phần Quảng Xuân (12 Trần Xuân Hòa, Phường 7, Quận 5), chị Nga, đại diện phòng chăm sóc khách hàng cho biết: “Sản phẩm của hãng Heinz có chứa chất gây ung thư chỉ xuất hiện tại thị trường Trung Quốc. Các loại bột ăn dặm của hãng Heinz mà công ty Quảng Xuân nhập về đã được kiểm định và không hề có chất acrymilade”.

Bột ăn dặm ngũ cốc chuối được nhập khẩu từ Anh cũng không chứa chất gây ung thư.

Xác định tính an toàn của những sản phẩm này, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn Thực Phẩm, khẳng định: “Loại bột ăn dặm của hãng Heinz mà Cơ quan An toàn thực châu Âu (EFSA) phát hiện có chứa chất gây ung thư không phải là loại trên thị trường Việt Nam đang bán. Những sản phẩm cho trẻ em như bánh và bột ăn dặm bán trên thị trường đều đã qua khâu kiểm định. Và tất cả các loại đều không chứa chất acrylamide”. 

Ông Trung cũng đưa ra khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm có dán mác đã kiểm định chất lượng và có ghi đầy đủ thành phần bằng tiếng Việt. Với sữa bột Heinz chỉ nên mua sản phẩm của các công ty Việt Nam phân phối, tuyệt đối không được dùng hàng xách tay chưa có kiểm định”.

Đồ chiên chứa chất gây ung thư nếu không chế biến đúng cách

Về việc chất gây ung thư có tồn tại trong đồ chiên hay không, ông Trần Quang Trung khẳng định là có nếu đồ chiên không được chế biến đúng cách.

Ông Trung cung cấp thông tin: Acrylamide được sinh ra một cách tự nhiên khi thực phẩm có nguồn gốc từ tinh bột được chiên, rán, nướng ở nhiệt độ cao (khoảng từ 170 – 180 độ C) như khoai tây chiên, bim bim, cà phê, khoai tây chiên ròn (snack), bánh mì nướng bị cháy… 

Trong công nghiệp, Acrylamide được sử dụng để sản xuất nguyên liệu dùng trong xử lý nước uống và nước thải để loại bỏ những hạt huyền phù và các tạp chất và sản xuất hồ dán, giấy và mỹ phẩm. Acrylamide còn sử dụng trong xây dựng các công trình như xây đập và đường hầm chịu nhiệt độ cao”.

Từ năm 2010, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Ủy ban chuyên gia về tiêu chuẩn thực phẩm (Codex), Ủy ban an toàn thực phẩm Châu Âu (ESPA) đã đề cập đến acrymilade như một quan ngại cho sức khỏe con người. Các chuyên gia y tế cho rằng: tiếp xúc nhiều với hóa chất acrylamide khiến cơ thể đổ mồ hôi, đi tiểu không kiểm soát, buồn nôn, đau mỏi cơ… Nhưng đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng về hàm lượng acrylamide trong các loại thực phẩn gây độc cho người tiêu dùng, chưa có bằng chứng khoa học về hàm lượng, cơ chế… của acrylamide “gây ra” ung thư ở người (mặc dù kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên động vật có khả năng gây ra ung thư cho động vật thực nghiệm).

Khoai tây nếu không được sơ chế cẩn thận sẽ dễ sinh chất acrylamide.

Ông Trung cũng cho biết, trước thông tin Cơ quan An toàn thực châu Âu (EFSA) phát hiện một hóa chất có tên là acrylamide gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, khoai tây chiên, bánh mì nướng bị cháy, khoai tây chiên giòn gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia triển khai lấy một số mẫu sản phẩm khoai tây chiên tại các cửa hàng bán thức ăn nhanh và mẫu sản phẩm bim bim đang lưu thông trên thị trường Hà Nội để xét nghiệm.

Kết quả đã giám sát các sản phẩm là Bim bim bò bít tết Mahatan – Poca, Bim bim khoai tây tươi cắt lát – Poca, Bim bim O’sta – vị kim chi Hàn Quốc ORION, khoai tây chiên KFC, khoai tây chiên BBQ, khoai tây chiên Lotteria… đang kinh doanh tại chợ Nguyễn Cao, phố Bà Triệu, Lò Đúc – Hà Nội. Tất cả các sản phẩm trên đều không phát hiện chất Acrylamide và PAHs (PAHs một nhóm các hợp chất hữu cơ có khả năng gây ung thư tiềm tàng, gây đột biến và là chất gây ô nhiễm môi trường).

Không sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần.

Ông Trung đưa ra khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ phát sinh Acrylamide trong các sản phẩm chiên, nướng, các hộ gia đình trong quá trình chế biến thức ăn cần lưu ý:

– Sơ chế, xử lý nguyên liệu thực phẩm trước khi chế biến: gọt vỏ, thái lát khoai tây và ngâm trong nước sạch ít nhất 30 phút trước khi chiên…
– Chia bánh mỳ thành nhiều lát nhỏ trước khi nướng.
– Thực phẩm không nên rán hoặc nướng lại nhiều lần.
– Không sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần.
– Không chế biến thức ăn từ tinh bột và đường với nhiệt độ chiên, nướng quá cao trong thời gian dài.

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.